- Đại cương
Theo tổ chức Y tế thế giới, đẻ non là một cuộc chuyển dạ xảy từ tuần 22 đến trước tuần thứ 37 của thai kỳ tính từ ngày đầu tiên của kỳ kinh cuối cùng.
Đẻ non nguy hiểm cho trẻ sơ sinh, tỷ lệ tử vong chu sản càng cao khi tuổi thai càng non. Đặc biệt, trẻ đẻ non có nguy cơ cao về di chứng thần kinh. Trước 32 tuần tỷ lệ di chứng là 1/3. Từ 32- 35 tuần tỷ lệ di chứng thần kinh là 1/5. Từ 35 đến 37 tuần tỷ lệ di chứng là 1/10.
Chăm sóc một trường hợp đẻ non rất tốn kém. Ngoài ra khi lớn lên trẻ còn có những di chứng về tâm thần kinh, là gánh nặng cho gia đình cũng như xã hội.
Mẹ bị đẻ non thì cũng dễ biến chứng sót rau, nhiễm khuẩn hậu sản.
Đẻ non là một cuộc chuyển dạ xảy từ tuần 22 đến trước tuần thứ 37 của thai kỳ
- Nguyên nhân
Có khoảng 50% đẻ non không xác định rõ lý do.
– Nguyên nhân do bệnh lý toàn thân
+ Các bệnh lý nhiễm trùng: nhiễm trùng đường tiết niệu, nhiễm trùng nặng do vi khuẩn, virus.
+ Các chấn thương trong thai nghén
+ Nghề nghiệp: các nghề tiếp xúc với hoá chất độc, lao động nặng, căng thẳng.
+ Bệnh toàn thân của mẹ: bệnh tim, bệnh gan, bệnh thân, thiếu máu.
– Nguyên nhân tại chỗ
+ Tử cung dị dạng bẩm sinh: chiếm 5% trong đẻ non. Nếu có nguyên nhân này thì nguy cơ đẻ non là 40%. Các dị dạng thường gặp: tử cung hai sừng, một sừng, tử cung kém phát triển, vách ngăn tử cung.
+ Bất thường mắc phải ở tử cung: Dính buồng tử cung, u xơ tử cung, tử cung có sẹo.
+ Hở eo tử cung
- Triệu chứng
– Đau bụng: Sản phụ cảm giác đau bụng từng cơn hoặc trì nặng bụng dưới.
– Ra dịch âm đạo: có thể là dịch nhầy âm đạo, ra máu hoặc nước ối.
- Giáo dục sức khỏe
4.1. Hướng dẫn chế độ dinh dưỡng
Theo khuyến cáo của Viện Dinh dưỡng, chế độ dinh dưỡng trong ngày của bà mẹ đang nuôi con bú nên tuân theo Tháp dinh dưỡng hợp lý dành cho bà mẹ đang nuôi con bú như sau:
Sau khi sinh bà mẹ cần được ăn uống đầy đủ các chất dinh dưỡng, không nên kiêng khem quá mức vì bà mẹ rất cần lấy lại sức và tạo sữa nuôi con. Mẹ có khỏe thì con mới phát triển tốt. Những thực phẩm mẹ cần bổ sung trong giai đoạn này gồm:
– Các loại hoa quả tươi và rau xanh để đảm bảo lượng chất xơ, vitamin và khoáng chất.
– Chất bột đường thường có trong cơm, bún, bánh mì, khoai lang, khoai tây…
– Protein từ thịt nạc, thịt gà, trứng và các loại đậu.
– Canxi từ sữa, bơ, cá mòi, đậu phụ… để hỗ trợ phát triển xương và răng cho bé
Ngoài việc bổ sung dinh dưỡng hợp lý, các bà mẹ sau sinh cũng cần lưu ý:
Tránh xa thuốc lá và tránh uống rượu. Rượu bia và thuốc lá sẽ khiến sữa mẹ về ít hơn, trẻ cai sữa sớm và tinh thần không ổn định.
Thận trọng với thực phẩm có thể gây khó tiêu. Mẹ nên tránh các thức ăn dễ ôi thiu và có thể gây ngộ độc (thịt, trứng, hải sản sống). Nên lưu ý các loại thức ăn có thể khiến con bạn phản ứng lại khó tiêu (hành, cải bắp, trứng cá, trứng tôm, gia vị cay) nếu chúng gây phản ứng.
Hạn chế uống cà phê hoặc trà.
4.2. Chế độ nghỉ ngơi cho mẹ sau sinh hợp lý
– Trong tuần đầu sau khi sinh mẹ nên cố gắng ngủ những khi có thể ngủ được. Càng nghỉ ngơi nhiều càng tốt. Việc ngủ đủ giấc và ngủ sâu giúp các bà mẹ tái tạo năng lượng, sản xuất sữa tốt hơn và tránh stress, trầm cảm sau sinh
– Vận động nhẹ nhàng
– Sau khi vết thương đã lành và ổn định, các mẹ nên vận động, massage thư giãn, xoa bóp tay chân với liều lượng thích hợp, vừa phải để đẩy hết sản dịch ra ngoài, giúp khí huyết lưu thông, giúp ăn ngủ tốt hơn.
+Trong môi trường sinh hoạt hàng ngày, nên tránh nắng nóng hoặc gió lạnh. Chỗ ở nên thoáng mát, dễ chịu, không bị ảnh hưởng của khói bụi, mùi hôi, tiếng ồn. Nhiệt độ trong phòng lý tưởng cho cả mẹ và bé là 27 – 29 0 Tuyệt đối không nằm than vì khí CO 2 trong than sẽ gây ngạt cho mẹ và em bé.
4.3. Hướng dẫn trong quá trình điều trị tại bệnh viện.
Tuân thủ chặt chẽ chế độ điều trị là vấn đề cốt lõi của thành công. Để điều trị thành công cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa bác sỹ và người bệnh
Dùng thuốc đúng theo y lệnh, báo cáo với bác sĩ những bất thường gặp phải để bác sĩ có điều chỉnh kịp thời (xin ý kiến bác sĩ điều trị).
Tuân thủ chặt chẽ theo lời khuyên về chế độ ăn, tập luyện, thay đổi lối sống có lợi cho sức khỏe.
4.4. Hướng dẫn cách phòng bệnh và chăm sóc sau khi ra viện
– Không nên đi du lịch xa, động viên nghỉ ngơi tối đa.
– Tôn trọng thời gian nghỉ trước đẻ 6 tuần (8 tuần nếu trên 3 con).
– Điều trị các nhiễm khuẩn nếu có.
– Ổn định các bệnh lý của mẹ như nhiễm độc thai nghén, đái đường, đặc biệt các thai nghén có nguy cơ cao.
– Khâu vòng cổ tử cung từ tuần thứ 12- 14 nếu có hở eo.
– Sau khi mẹ và bé ổn định ra viện, khi về nhà nếu một trong hai mẹ con xuất hiện các triệu chứng: đối với mẹ (sản dịch có mủ, mùi hôi; tầng sinh môn phù nề, đau nhiều, rỉ nước vàng; sốt cao, mạch nhanh…), đối với con (ngủ li bì, khó đánh thức, bỏ bú, sốt cao, co giật, tím tái…) cần đến cơ sở y tế khám và điều trị.