SỬ DỤNG THUỐC NHỎ MẮT, TRA MẮT ĐÚNG CÁCH

0
1273

Thuốc nhỏ mắt, tra mắt là một phương tiện rất phổ biến để đưa dược phẩm vào trong mắt. Tuy nhiên, để có được tác dụng trị liệu tối đa, việc đưa thuốc vào mắt cũng rất cần “kỹ thuật cá nhân”.

Để thuốc nhỏ mắt, tra mắt có thể phát huy tác dụng trị liệu tối đa, bệnh nhân cần phải được hướng dẫn thật chi tiết cách sử dụng. Người sử dụng cần phải nắm rõ khoảng thời gian giữa những lần dùng thuốc, phương pháp nhỏ thuốc cũng như cách bảo quản.

  1. Thuốc nhỏ mắt

a) Nhỏ 1 hay 2 giọt?

Mỗi lần dùng thuốc, chỉ nên nhỏ 1 giọt vì giọt thứ hai sẽ “giội” đi giọt thứ nhất, nếu không thì cũng làm tăng sự hấp thụ toàn thân và tăng độc tính. Giọt thứ hai thường sẽ nằm lại trên phần da của mí mắt và có thể làm cho người sử dụng mắc phải tình trạng dị ứng tiếp xúc. Sử dụng 2 giọt cùng một lúc còn làm tăng gấp đôi chi phí điều trị.

b) Bao lâu giữa 2 lần nhỏ thuốc?

Dạng bào chế của thuốc nhỏ mắt và tình trạng bệnh của bệnh nhân sẽ quyết định khoảng thời gian giữa 2 lần sử dụng thuốc. Trong những trường hợp viêm nhiễm nghiêm trọng, bệnh nhân cần nhỏ thuốc cách mỗi 30 phút. Ngược lại, trong trường hợp dùng thuốc nhỏ mắt để điều trị bệnh tăng nhãn áp (glaucoma), khoảng cách giữa 2 lần nhỏ có thể kéo dài tới 24 giờ.

c) Cách nhỏ thuốc

    • Rửa tay bằng xà phòng trước khi nhỏ thuốc để giảm nguy cơ nhiễm trùng mắt và nguy cơ nhiễm khuẩn lọ thuốc.
    • Tháo kính áp tròng (nếu có).
    • Với lọ đựng thuốc có vỏ trong suốt, cần quan sát dung dịch bên trong, nếu có thay đổi bất kỳ so với khi mới mua (vật thể lạ trong dung dịch, thuốc đổi màu…) thì không được dùng thuốc này.
    • Nhiều loại thuốc nhỏ mắt được chế tạo ở dạng nhũ tương, trường hợp này cần lắc mạnh lọ trước khi sử dụng để thuốc được phân bổ đều.
    • Tháo nắp lọ thuốc, đặt nghiêng nắp trên một tờ giấy sạch, tránh đặt úp làm nắp bị nhiễm bẩn. Kiểm tra xem đầu lọ thuốc có bị sứt mẻ không.
    • Bệnh nhân ngả đầu nhẹ về phía sau, dùng ngón trỏ của một bàn tay kéo nhẹ mi dưới xuống để tạo thành một chiếc túi nhỏ ngay dưới bờ mi.
    • Dùng bàn tay kia giữ lọ thuốc. Đưa lọ thuốc nhỏ mắt lại thật gần mắt. Cố gắng không để đầu lọ thuốc chạm vào mắt hay vào bàn tay bạn. Tựa ngón cái của bàn tay này lên trán để cố định lọ thuốc (hình trái bên dưới). Bạn cũng có thể tì bàn tay giữ lọ thuốc lên các ngón tay đang kéo mi mắt (hình phải bên dưới).
    • Ngước mắt nhìn lên trên, nhẹ nhàng bóp lọ thuốc để một giọt duy nhất rơi vào túi của mi dưới. Thuốc rơi vào vị trí này dễ chịu hơn so với rơi trực tiếp vào mắt. Thông thường chỉ cần 1 giọt thuốc là đủ, nếu bạn nhỡ tay nhỏ 2 giọt liền thì cũng đừng sợ vì giọt thứ nhất sẽ bị giọt thứ hai đẩy ra ngoài.
    • Nhẹ nhàng nhấc ngón trỏ khỏi mi mắt.
    • Nhắm mắt trong 2-3 phút và cúi đầu về phía trước như đang nhìn xuống sàn, làm vậy giúp thuốc thấm tốt hơn và phát huy tối đa hiệu quả. Cố gắng không chớp mắt hay nheo mắt để tránh làm thuốc trào ra khỏi mắt.
    • Dùng ngón trỏ ấn nhẹ lên góc trong của mắt ngay cạnh sống mũi để chặn đường thoát của nước mắt, giúp thuốc nằm lại trong mắt lâu hơn, tăng tỷ lệ thuốc ngấm vào mắt và giảm lượng thuốc bị hấp thu vào dòng máu.
    • Dùng khăn lau sạch phần thuốc tràn ra mặt.
    • Đậy nút lọ, tuyệt đối không lau hay rửa đầu lọ thuốc.
    • Rửa tay để loại bỏ phần thuốc rơi rớt trên bàn tay.
    • Đợi 15 phút sau mới được đeo kính áp tròng.

Các bước nhỏ thuốc

  1. Thuốc mỡ tra mắt

Mục đích chính của mỡ tá dược trong nhãn khoa là kéo dài thời gian tác dụng của thuốc trên bề mặt nhãn cầu. Thuốc thường được sử dụng cho trẻ em vì trẻ thường khóc mỗi khi nhỏ thuốc; điều trị các tổn thương khác ở bán phần trước của mắt như xước giác mạc.

Kỹ thuật tra thuốc mỡ

  • Khi sử dụng thuốc mỡ, chú ý rửa tay kỹ trước khi tra thuốc;
  • Ngửa đầu hay nằm xuống và nhìn lên trên; nhẹ nhàng nắm dưới mi mắt dưới lông mi và kéo mí mắt khỏi mắt để tạo thành một túi;
  • Đặt 1-1,5 cm thuốc mỡ vào sâu bên trong túi mi mắt bằng cách ép tuýp thuốc nhẹ nhàng và từ từ bỏ mí mắt ra; đóng mắt từ 1 đến 2 phút; Lưu ý không được chạm đầu lọ thuốc vào mắt vì có thể làm mắt trầy xước cũng như ô nhiễm phần còn lại của lọ.

Tra thuốc mỡ

  • Có thể xảy ra nhìn mờ tạm thời; tránh các hoạt động đòi hỏi thị lực cho đến khi hết mờ; loại bỏ thuốc mỡ quá mức xung quanh mắt hoặc đầu ống thuốc mỡ bằng khăn giấy vô khuẩn;
  1. Chú ý khi sử dụng thuốc nhỏ mắt, tra mắt
  • Không rửa ống thuốc. Không sử dụng thuốc nhỏ mắt có thay đổi màu hoặc có chứa chất kết tủa.
  • Không dùng chung thuốc nhỏ mắt giữa hai hay nhiều bệnh nhân. Không cất trữ lọ thuốc dùng dở dang sau khi đã khỏi bệnh.
  • Nếu cần dùng cả thuốc nước và thuốc mỡ thì nhỏ thuốc nước trước, đề phòng thuốc mỡ ngăn cản sự hấp thu thuốc nước.
  • Nếu phải nhỏ vài loại thuốc nước cùng lúc, bạn có thể nhỏ thuốc nào trước cũng được, tuy nhiên cần duy trì khoảng cách tối thiểu 3-5 phút giữa các giọt để thuốc có thì giờ ngấm và không bị trôi tuột bởi giọt thuốc tiếp theo. Nếu sử dụng hơn một loại thuốc mỡ thì chờ khoảng 10 phút mới dùng đến loại thứ hai.
  • Lọ thuốc đã mở rất dễ bị nhiễm các tác nhân gây bệnh có trong không khí và sẽ là nguồn gây bệnh cho mắt. Khi sử dụng, tránh đụng chạm vào đầu lọ thuốc nhỏ mắt vì sẽ gây nhiễm bẩn lọ thuốc và lọ thuốc lúc này sẽ trở thành nguồn gây bệnh.Lọ thuốc đã mở ra chỉ nên dùng trong vòng 15 ngày. Sau khoảng thời gian này, nếu còn thừa thuốc cũng nên bỏ đi vì có nguy cơ không còn đạt độ vô khuẩn, và không dùng thuốc quá hạn sử dụng.
  • Sau khi dùng, đậy nút lọ thuốc càng nhanh càng tốt.
  • Thuốc mỡ có thể làm mờ tầm nhìn nên phải dùng thận trọng trong điều kiện đòi hỏi hình ảnh rõ ràng (ví dụ lái xe, vận hành thiết bị máy móc, đọc sách, báo…), thường sử dụng thuốc mỡ tra mắt vào trưa hoặc tối, trước khi đi ngủ./.

ĐỂ LẠI BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here