- Đại cương
Bên cạnh việc mổ mộng mắt thì việc chăm sóc sau mổ mộng mắt cũng rất quan trọng. Chăm sóc sau mổ mộng mắt ở những ngày đầu tiên vô cùng cần thiết và cần lưu tâm.
1.1. Ngày đầu tiên sau phẫu thuật
Bệnh nhân cảm thấy cộm, chói, khó chịu ở mắt do hết thuốc tê sau mổ và các mối chỉ khâu. Trường hợp cộm vướng nhiều, điều dưỡng kiểm tra lại mắt phẫu thuật có được băng chặt hay không. Nếu đau nhiều có thể dùng thuốc giảm đau và an thần cho bệnh nhân theo chỉ định của bác sỹ sẽ giúp người bệnh giảm bớt triệu chứng khó chịu và kích thích. Triệu chứng này sẽ giảm dần theo thời gian đến khi cắt chỉ.
Trường hợp bệnh nhân đau nhức nhiều mắt phẫu thuật. Người bệnh cần được khám kiểm tra đánh giá lại xem có bị glôcôm không. Đánh giá tình trạng giác mạc có phù không, kiểm tra đồng tử có giãn không để có thái độ điều trị kịp thời.
1.2. Ngày thứ 2 sau phẫu thuật
Điều dưỡng thay băng mắt mổ cho bệnh nhân, trong quá trình thay băng quan sát mảnh ghép kết mạc có hồng, phẳng hay gồ ghề, đánh giá tiết tố dử mắt…. sau đó tra thuốc kháng sinh + giảm viêm và băng mắt cho bệnh nhân.
Ngày thứ 3, thứ 4, thứ 5 sau phẫu thuật: tiếp tục thay băng, tra thuốc theo chỉ định của bác sỹ điều trị. Chú ý quan sát vùng mảnh ghép và vùng giác mạc đầu mộng.
- Giáo dục sức khỏe
2.1. Chế độ dinh dưỡng sau mổ
– Người bệnh ăn đầy đủ các chất dinh dưỡng, đăc biệt nên ăn các thực phẩm chứa nhóm chất chống oxy hóa: cà chua, củ cải, khoai tây, bông cải xanh, cà rốt, thịt đỏ, măng tây, cà chua, bắp ngô…; các thực phẩm chứa vitamin nhóm B: cá ngừ, cá thu, cá hồi, cá cơm, nấm, hạt hướng dương, đậu phộng, hạnh nhân, trứng,…
– Bên cạnh đấy có rất nhiều loại thực phẩm có thể gây hại cho mắt mà chúng ta nên hạn chế, bao gồm:
+ Đường, chất làm ngọt, soda, bánh kẹo, bột mì, mì ống… thường được tiêu hóa, hấp thụ dễ dàng và nhanh chóng gây gia tăng lượng đường trong máu.
+ Thức uống nhiều cồn và các chất kích thích: Rượu, bia, cà phê và các chất kích thích có thể gây “stress oxy hóa” hình thành các gốc tự do ảnh hưởng tiêu cực tới mắt.
+ Thuốc lá: Những người hút thuốc lá có nguy cơ mắc đục thủy tinh thể gấp 2 lần so với người không hút thuốc và tỷ lệ này là 3 lần ở những người nghiện thuốc lá.
2.2. Chế độ nghỉ ngơi, vận động
Trong thời gian sau mổ tuyệt đối:
Tránh va chạm mạnh vào mắt
Tránh ho
Tránh làm việc nặng, gắng sức
Tránh vấp ngã
Tránh để nước vào mắt khi tắm gội
Tránh bụi khói môi trường ô nhiễm
Sau mổ mộng bệnh nhân sẽ nghỉ ngơi tại giường bệnh 5- 7 ngày để thay băng và theo dõi bệnh sau đâý sẽ ra viện và nghỉ ngơi tại nhà.
2.3. Hướng dẫn trong quá trình điều trị tại bệnh viện
– Phải nhỏ thuốc mắt theo đúng chỉ định của bác sĩ (1 giọt/giờ x 10 lần/ ngày…), nếu bệnh nhân có nhiều loại thuốc nhỏ mắt thì thời gian nhỏ cách nhau (30 phút – 1h), nhỏ lần lượt các loại thuốc theo đúng hướng dẫn của nhân viên tế, vệ sinh tay trước và sau khi nhỏ thuốc. Không được tự ý mua thuốc nhỏ khi chưa có đơn của bác sỹ.
– Không được day rụi, đắp lá hay nhỏ bất cứ thuốc gì vào mắt+ Tránh các sang chấn mạnh vào mắt, ảnh hưởng tới mảnh ghép kết mạc.
– Không được tự ý bỏ băng gạc che mắt, khi ra ngoài ánh sáng phải mang kính bảo hộ.
2.4. Hướng dẫn cách phòng bệnh và chăm sóc sau khi ra viện
– Ăn uống bình thường, ăn nhiều rau quả, uống nhiều nước
– Duy trì thói quen sử dụng kính bảo hộ khi đi đường, làm việc trong môi trường nhiều khói bụi.
– Dùng nước sạch hoặc nước muối sinh lý vệ sinh mắt mỗi ngày
– Khám mắt định kỳ 6 tháng/1 lần để tầm soát và điều trị các bệnh lý tại mắt
– Tái khám ngay khi mắt có triệu chứng bất thường như: sưng nề, đau nhức, mờ đột ngột.