- Đại cương
Bệnh viêm tuyến nước bọt là tình trạng viêm nhiễm của các tuyến nước bọt, phần lớn là viêm tuyến nước bọt mang tai và viêm tuyến nước bọt dưới hàm. Thông thường, bệnh chỉ khu trú tại tuyến nước bọt với biểu hiện điển hình sưng đau tuyến nước bọt bị viêm, đau tăng khi ăn và diễn tiến lành tính. Bệnh viêm tuyến nước bọt hay gặp ở trẻ em và thanh thiếu niên. Tỷ lệ mắc bệnh như nhau ở nam và nữ nhưng nam giới mắc bệnh thường phải đối mặt với nhiều biến chứng hơn.
- Nguyên nhân
– Vi khuẩn: là tác nhân thường gặp nhất. Staphylococcus aureus là vi khuẩn gây bệnh phổ biến nhất. Các loại vi khuẩn khác cũng gây viêm tuyến nước bọt như: liên cầu khuẩn, Haemophilus Influenza, E.coli.
– Virus cúm A, Herpes, quai bị hay HIV cũng có thể gây nhiễm trùng các tuyến nước bọt. Trong đó viêm tuyến nước bọt do quai bị là hay gặp nhất và ai trong đời cũng bị ít nhất một lần.
– Các bệnh lý như sỏi tuyến nước bọt, bệnh u hạt, suy dinh dưỡng, hội chứng Sjogren (là một bệnh lý miễn dịch gây khô miệng), khối u vùng đầu mặt cổ … cũng làm giảm tiết nước bọt và gây nên bệnh viêm tuyến nước bọt.
- Triệu chứng
– Sưng đau tuyến nước bọt: vùng tuyến nước bọt mang tai sưng to và đau, lan rộng ra các vùng xung quanh, ấn vùng tuyến mang tai thấy đau tăng và có thể thấy mủ chảy ra ở miệng ống Stenon, là lỗ đổ nước bọt vào khoang miệng của tuyến mang tai.
– Khô miệng, niêm mạc miệng quanh ống Stenon có thể sưng đỏ, hôi miệng
– Nói và nuốt đau
– Sưng hạch phản ứng ở góc hàm hoặc hạch sau tai cùng bên với tuyến bị viêm.
Sưng đau vùng mang tai, đau hơn khi nói hoặc nuốt là triệu chứng thường gặp của bệnh
– Một số trường hợp bệnh nhân có thể sốt nhẹ, nhiệt độ dao động từ 38 – 39 độ, mạch nhanh, mệt mỏi.
– Viêm tuyến nước bọt rất ít khi gây ra các biến chứng. Tuy nhiên, nếu tình trạng nhiễm trùng tuyến nước bọt không được điều trị, mủ có thể tích tụ và tạo áp xe trong tuyến nước bọt.
– Nếu không được điều trị đúng và kịp thời, viêm tuyến nước bọt sẽ diễn tiến thành bệnh viêm tuyến nước bọt mãn tính và tái phát nhiều lần. Tuyến nước bọt mang tai khi bị viêm nhiều lần sẽ phì đại tăng kích thước và không nhỏ lại được, làm biến dạng khuôn mặt của người bệnh.
– Đối với những bệnh nhân mắc bệnh viêm tuyến nước bọt có biến chứng, nhất là ở nam giới có thể có những biểu hiện của viêm tinh hoàn, viêm màng não, viêm não, điếc, …
- Giáo dục sức khỏe
4.1. Hướng dẫn chế độ ăn
Trong thời gian lên cơn sốt cơ thể người bệnh khó hấp thụ các món ăn cứng, người nhà nên cho ăn các loại thức ăn lỏng giàu dinh dưỡng, dễ tiêu hóa như: cháo thịt, canh trứng… để giúp cơ thể có dễ hấp thu dinh dưỡng. Người bệnh nên ăn nhiều cháo, ăn làm nhiều bữa và cần xem khả năng tiêu hóa để điều chỉnh ăn uống; khi bệnh đỡ hơn nên chuyển qua thức ăn mềm chứ không ăn đồ cứng ngay.
Uống nhiều nước để phòng ngừa yếu tố nguy cơ gây bệnh
Rau và hoa quả là nguồn cung cấp vitamin và khoáng chất cần thiết cho cơ thể. Bạn có thể sử dụng mướp đắng để nấu các món ăn đảm bảo dưỡng chất cũng như tăng cường sức đề kháng cho người bệnh. Bên cạnh những món ăn nên dùng, người bệnh cần kiêng đồ ăn chua và chất kích thích. Các loại thực phẩm này khiến tuyến nước bọt phân tiết làm tuyến nước bọt sưng to lên, có thể khiến bệnh bị biến chứng. Ngoài ra, người bệnh không nên ăn đồ nếp, cá mè ,cá chép, hay các thực phẩm khó tiêu vì nó làm bệnh lâu khỏi.
Xôi nếp là thực phẩm cần tránh khi bị viêm tuyến nước bọt mang tai
4.2. Hướng dẫn chế độ nghỉ ngơi, vận động
– Nghỉ ngơi, lao động nhẹ nhàng trong thời gian bị bệnh
4.3. Chăm sóc tại viện.
– Để điều trị thành công cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa bác sỹ và người bệnh
– Dùng thuốc đúng theo y lệnh, báo cáo với bác sĩ những bất thường gặp phải để bác sĩ có điều chỉnh kịp thời (xin ý kiến bác sĩ điều trị).
– Đeo khẩu trang khi tiếp xúc với người khác phòng tránh lây nhiễm bệnh cho người khác.
– Tuân thủ chặt chẽ theo lời khuyên về chế độ ăn, tập luyện, thay đổi lối sống có lợi cho sức khỏe.
4.4. Phòng bệnh và chăm sóc sau khi ra viện
– Đeo khẩu trang khi tiếp xúc với người khác phòng tránh lây nhiễm bệnh cho người khác.
– Cách ly người bệnh khoảng 2 tuần từ khi phát hiện bệnh.
– Vệ sinh răng miệng, uống nhiều nước và súc miệng bằng nước muối sinh lý hay nước súc miệng để chống khô miệng và tránh để vi khuẩn có môi trường thuận lợi phát triển
– Ăn đa dạng các loại rau xanh và hoa quả tươi, giúp bổ sung các loại vitamin và khoáng chất cần thiết cho cơ thể giúp tăng khả năng miễn dịch.
– Giữ gìn vệ sinh thân thể sạch sẽ.
– Tiêm phòng vacxin đầy đủ
– Sau khi ra viện nếu thấy xuất hiện các triệu chứng: sưng đau góc hàm nhiều, nuốt đau, sưng đau tinh hoàn ở nam giới…cần đến cơ sở y tế khám và điều trị.