VIÊM XOANG

0
576
  1. Đại cương

Xoang là những hốc xương rỗng nằm trong khối xương sọ mặt, ở xung quanh hốc mũi, và thông với hốc mũi. Các hốc xương này được lót bởi lớp niêm mạc giống như hốc mũi, đó là niêm mạc đường hô hấp. Ở người trưởng thành, có 5 đôi xoang, được chia làm 2 nhóm. Nhóm xoang trước gồm có: Xoang sàng trước, xoang trán, xoang hàm, các xoang này được dẫn lưu các khe giữa của hốc mũi. Nhóm xoang sau gồm có: Xoang sàng sau, xoang bướm, các khoang này được dẫn lưu qua khe trên của hốc mũi.

  1. Nguyên nhân

Có rất nhiều nguyên nhân gây viêm xoang, các nguyên nhân này đước xếp thành các nhóm chính sau đây:

2.1. Do viêm nhiễm

– Do vi khuẩn:

+ Nhiễm khuẩn vùng mũi họng: Là nguyên nhân hay gặp nhất, như viêm họng, viêm Amydal, Viêm VA trẻ em và viêm mũi.

+ Do răng: Các bệnh lý ở răng lợi như : viêm lợi, sâu răng, viêm tủy …..đều có thể gây viêm xoang hàm trên từ răng số 4 đến số 6.

– Do siêu vi trùng rất hay gặp.

2.2. Do dị ứng

Có thể là nguyên phát hoặc thứ phát, cơ địa dị ứng mũi xoang dễ đưa tới viêm xoang mạn tính.

2.3. Do chấn thương

Các chấn thương cơ học, do hỏa khí làm vỡ xoang hay tụ máu trong xoang đều có thể gây viêm xoang. Ngoài ra các chấn thương về áp lực có thể xuất huyết, phù nề niêm mạc rồi gây ra viêm xoang.

2.4. Các nguyên nhân cơ học

Dị hình vách ngăn, khe giữa, ở xoang. Các khối u trong xoang và hốc mũi. Tất cả đều làm cản trở sự dẫn lưu và thông khí của xoang, cuối cùng là gây ra viêm xoang.

2.5. Hội chứng trào ngược dạ dày – thực quản

Do dịch vị a xít ở dạ dày trào ngược lên thực quản, họng, thanh quản gây ra viêm nhiễm vùng mũi họng trong đó có viêm xoang.

2.6. Do cơ địa

Ở những người bị suy nhược toàn thân rối loạn nội tiết như: Tiểu đường, rối loạn về vận mạch, rối loạn về nước và điện giải thường dễ bị viêm xoang.

  1. Triệu chứng lâm sàng

3.1. Viêm xoang cấp tính

* Triệu chứng toàn thân:

Thường có biểu hiện một thể trạng nhiễm trùng: mệt mỏi, sốt nhẹ hoặc gai sốt, kém ăn, bạch cầu trong máu tăng. Ở trẻ em thường có biểu hiện một hội chứng nhiễm trùng rõ rệt và sốt cao.

– Đau nhức vùng mặt: Là triệu chứng chính, thường đau về sáng, đau thành từng cơn, vùng má, trán, thái dương 2 bên hoặc lan xuống răng hay lên nửa đầu, đau tăng lên về sáng do ban đêm dịch tiết và mủ ứ đọng. Ngoài cơn chỉ thấy nặng đầu.

– Chảy mũi: Một hoặc 2 bên, thường gặp là chảy mũi 2 bên, lúc đầu chảy dịch loãng, sau đặc dần, màu xanh hoặc màu vàng mùi tanh và nồng làm hoan ố khăn tay. Bệnh nhân thường xì mũi ra trước hoặc chảy xuống họng.

– Ngạt tắc mũi: Một hoặc 2 bên, thường gặp là ngạt mũi 2 bên. Tùy theo tình trạng viêm, ngạt mũi được biểu hiện ở mức độ khác nhau như vừa, nhẹ, từng lúc hoặc liên tục dẫn đến ngửi kém. Trong viêm xoang cấp hay gặp ngạt tắc mũi từng lúc và trong khi ngạt mũi thường kèm theo ngửi kém.

3.2. Viêm xoang mạn tính

– Viêm xoang mạn tính ít ảnh hưởng đến toàn trạng, không có biểu hiện nhiễm trùng, trừ những đợt hồi viêm. Triệu chứng toàn thân thường không rõ rệt, ngoài những biểu hiện: Mệt mỏi cơ thể suy nhược hoặc những rối loạn ở đường hô hấp hay đường tiêu hóa do mủ xoang gây nên, nếu viêm xoang kéo dài.

– Chảy mủ là triệu chứng chính, thường xuyên có, chảy một hoặc 2 bên nhưng thường là 2 bên. Lúc đầu chảy mủ nhầy trắng, sau chảy đặc xanh hoặc vàng, mùi tanh hoặc mùi hôi thối do bội nhiễm. Mủ thường chảy ra cửa mũi sau xuống họng hoặc xì ra cửa mũi trước.

– Ngạt tắc mũi: Tăng dần và ngày càng rõ rệt dẫn đến tắc hoàn toàn do mủ ứ đọng, niêm mạc phù nề, cuốn giữa thoái hóa, cuốn dưới quá phát, hoặc do polype thường ngạt cả 2 bên. Nhưng có thể 1 bên nếu viêm xoang do răng.

– Rối loạn về ngửi: Ngửi kém từng lúc, tăng dần hoặc mất ngửi hoàn toàn.

– Nhức đầu: Âm ỉ hay từng cơn ở vùng trán, má 2 bên, hoặc đau nhức xung quanh ổ mắt, sâu trong ổ mắt, đau vùng chẩm phía sau nếu là viêm xoang sau.

– Nhức đầu thường xảy ra vào buổi trưa và chiều làm cho bệnh nhân thường mệt mỏi, lười suy nghĩ ……

– Ngoài ra bệnh nhân thường có biểu hiện viêm mũi họng mạn tính hay viêm đường hô hấp như: ho khan, ngứa họng, đắng họng hoặc khạc nhổ liên tục.

  1. Giáo dục sức khỏe

4.1. Hướng dẫn chế độ dinh dưỡng

Xây dựng chế độ ăn hợp lý: Khi bị viêm xoang, chế độ ăn uống của người bệnh cần tăng cường sử dụng các nhóm thực phẩm cung cấp nhiều vitamin: Các loại rau, củ, hoa quả như: khoai lang, dâu tây, đu đủ, bí ngô, hành, tỏi, gừng… Nên bổ sung các loại thực phẩm có chứa omega – 3 như: cá nục, các hồi, cá mòi…

Uống nhiều nước: làm loãng các dịch nhầy đang bị ứ đọng trong các hốc mũi. Từ đó sẽ được đẩy ra ngoài dễ dàng hơn. Uống đủ lượng nước cần thiết là 2 – 2,5l/ngày, nên dùng nước ấm để uống.

Bổ sung các thực phẩm có chứa kẽm: Kẽm là thành phần có nhiều trong các loại thực phẩm như sò, nghêu, bí đỏ, đậu phộng…

Bên cạnh đó cần hạn chế sữa và các sản phẩm được chế biến từ sữa vì những thực phẩm này có thể gây gia tăng tình trạng tiết dịch nhầy, khiến các chất dịch này ứ đọng lại trong hốc mũi, hoặc làm kích thích làm phù nề niêm mạc xoang tạo thuận lợi cho vi khuẩn sinh sôi và phát triển gây bệnh.

Hạn chế sử dụng các thực phẩm cay, nóng, chất kích thích: rượu, thuốc lá…

4.2. Hướng dẫn chế độ nghỉ ngơi, vận động

Luyện tập thể dục, thể thao, vận động nhẹ nhàng, điều độ, nghỉ ngơi hợp lý nâng cao thể trạng.

4.3. Hướng dẫn trong quá trình điều trị tại bệnh viện

-Thực hiện y lệnh thuốc đầy đủ đúng giờ: Thực hiện chế độ dùng thuốc kháng sinh, giảm đau, nhỏ mũi ngày 2 lần sáng chiều đầy đủ đúng giờ. Sau khi dùng thuốc nếu có vấn đề bất thường như: đau đầu, chóng mặt, buồn nôn,ngứa, nổi mề đay….thì phải báo ngay nhân viên y tế để được xử trí kịp thời.

– Tuân thủ chặt chẽ theo lời khuyên về chế độ ăn, tập luyện, thay đổi lối sống có lợi cho sức khỏe.

4.4. Hướng dẫn cách phòng bệnh và chăm sóc sau khi ra viện

– Để phòng ngừa bệnh viêm xoang hiệu quả, nên đeo khẩu trang khi ra đường và làm công việc gặp nhiều bụi bặm. Giữ môi trường xung quanh luôn sạch sẽ, tránh xa khói bụi, chất thải, khói thuốc lá… Tránh hít luồng không khí lạnh, khô. Không nên để mũi đối diện trực tiếp với luồng gió của máy lạnh, máy quạt khi nằm ngủ hoặc khi ngồi làm việc. Những trường hợp thay đổi đột ngột từ quá nóng sang quá lạnh hoặc ngược lại đều có thể làm tổn thương niêm mạc mũi xoang. Cần giữ ấm khi đi ngoài trời lạnh, trời mưa, đặc biệt với những ai phải làm việc quá khuya hoặc dậy quá sớm, vì đây là những thời điểm dễ bị cảm và chuyển thành viêm mũi xoang.

– Giữ gìn vệ sinh tai mũi họng, theo dõi bệnh khi có các dấu hiệu bất thường như đau nhức mũi, sốt, ho, chảy mũi … cần đến cơ sở y tế để được các bác sỹ khám và tư vấn kịp thời.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here