- Đại cương
Viêm mũi cấp tính là một bệnh rất thường gặp ở nước ta, bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi, chủ yếu là gặp ở trẻ em từ 6 đến 8 tháng tuổi, rất hay gặp ở thời tiết thay đổi hay mùa lạnh.
Viêm mũi cấp tính bao gồm: Viêm mũi cấp tính thông thường, viêm mũi cấp tính trong các bệnh nhiễm trùng lây và viêm mũi cấp tính ở hài nhi.
Viêm mũi cấp tính thông thường, nguyên nhân hay gặp là do virus, bệnh tiến triển nhanh 5-7 ngày rồi tự khỏi nên còn được gọi là viêm mũi cấp lành tính.
Viêm mũi cấp tính ở trẻ em có thể dẫn đến tử vong do sặc, ngạt thở hoặc viêm phổi nhất là ở trẻ bị suy dinh dưỡng.
Bệnh viêm mũi họng cấp thường gặp ở trẻ nhỏ
- Nguyên nhân
– Do virus là nguyên nhân hay gặp và thường gặp nhiều loại, chủ yếu là Adenovirus, loại virus này cũng thường gây viêm họng.
– Do vi khuẩn:Viêm họng, viêm amydal, viêm VA.
– Do các chất kích thích hay chất dễ gây dị ứng (dị nguyên).
– Do thời tiết thay đổi: lạnh, ẩm kéo dài…
– Các yếu tố thuận lợi: cơ thể suy yếu, kém dinh dưỡng, nhiễm lạnh đột ngột.
- Triệu chứng lâm sàng
– Người bệnh thường có cảm giác người mệt mỏi, sốt nhẹ hoặc gai rét, ớn lạnh, nhức đầu và ăn ngủ kém.
– Cảm giác nóng, cay, hoặc ngứa mũi.
– Ngạt tắc mũi, thường ngạt tắc 2 bên, có khi chỉ có 1 bên, ngạt tăng nhiều về ban đêm, bệnh nhân phải thở bằng miệng.
– Chảy nước mũi: thường là chảy hai bên, lúc đầu dịch trong, sau trở thành dịch trong, sau trở thành dịch nhầy, có thể thành mủ. Nếu xì mạnh thường có lẫn ít máu tươi.
– Ngửi kém hoặc mất ngửi do ngạt tắc mũi gây ra. Khi bệnh nhân thở thông, chức năng ngửi lại trở nên bình thường.
- Giáo dục sức khỏe
4.1. Hướng dẫn chế độ dinh dưỡng
Ăn uống điều độ, đầy đủ chất dinh dưỡng, uống thêm vitamin C, nước hoa quả làm tăng sức đề kháng của cơ thể.Hạn chế các chất kích thích như cay, nóng…
4.2. Chế độ nghỉ ngơi, vận động
Luyện tập thể dục, thể thao nhẹ nhàng, điều độ, nghỉ ngơi hợp lý nâng cao thể trạng.
4.3. Hướng dẫn trong quá trình điều trị tại bệnh viện
– Thực hiện y lệnh thuốc đầy đủ đúng giờ: Thực hiện chế độ dùng thuốc kháng sinh, giảm đau, nhỏ mũi ngày 2 lần sáng chiều đầy đủ đúng giờ. Sau khi dùng thuốc nếu có vấn đề bất thường như: đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, ngứa, nổi mề đay… thì phải báo ngay nhân viên y tế để được xử trí kịp thời.
Tuân thủ chặt chẽ theo lời khuyên về chế độ ăn, tập luyện, thay đổi lối sống có lợi cho sức khỏe.
4.4. Hướng dẫn cách phòng bệnh và chăm sóc sau khi ra viện
– Tránh bị lạnh hay ẩm đột ngột hoặc kéo dài.
– Giữ gìn vệ sinh mũi họng tốt, nhỏ mũi bằng các dung dịch Nacl 0,9% hàng ngày, đeo khẩu trang khi tiếp xúc với bụi, xúc họng bằng các dung dịch kiềm.
– Tránh tiếp xúc với các yếu tố gây kích thích: Cay, nồng, hơi kiềm mạnh, bụi và khí a xít..
– Giữ ấm cho trẻ cả ở nhà và nhất là khi đi ra ngoài đường trẻ nhỏ có khăn che mặt, người lớn có khẩu trang che mũi miệng.
– Tập cho trẻ làm quen với thời tiết thay đổi, làm quen với lạnh (ở nhà mặc đủ ấm, mở cửa rộng để thoáng khí và không khí lạnh tràn vào, cho trẻ mặc đủ ấm khi đi chơi trong trời lạnh, trong sương mù,…).
– Tránh cho trẻ tiếp xúc trực tiếp với người nghi cảm cúm (hắt hơi, sổ mũi, ho sốt) hoặc vào nơi đông người, nhất là khi đang có dịch.
– Điều trị tốt các ổ viêm nhiễm ở mũi họng: Viêm Amydal, viêm Va…
Sau khi ra viện có các dấu hiệu bất thường như : sốt, ho, chảy mũi….. cần đến cơ sở y tế để được các bác sỹ khám và tư vấn kịp thời.