TRẺ SUY DINH DƯỠNG

0
533

 1. Đại cương

-Dấu hiệu trẻ bị suy dinh dưỡng làchậm tăng cân, đứng cân hoặc sụt cân. Trẻ biếng ăn, ăn ít, môi xanh, niêm mạc mắt nhợt nhạt. Trẻ hay quấy khóc, ít vui chơi, kém linh hoạt. Các bắp thịt tay chân mềm nhão, bụng to dần. Chậm phát triển vận động: chậm biết lẫy, ngồi, bò, đi đứng.Trẻ bị suy dinh dưỡng nếu không có cách điều trị kịp thời sẽ ảnh hưởng xấu tới sự phát triển thể chất và trí tuệ sau này.

  1. Nguyên nhân

– Trẻ sinh non: trẻ sinh non cơ thể thường yếu, hoạt động của hệ tiêu hóa kém làm tăng nguy cơ suy dinh dưỡng.

– Chế độ dinh dưỡng thiếu hụt: đây là nguyên nhân chính khiến nhiều trẻ em bị suy dinh dưỡng. Một phần có thể do mẹ thiếu hiểu biết về cách chăm con, cho bé cai sữa sớm nhưng không được bổ sung lại đủ lượng dinh dưỡng cần thiết cho trẻ. Thực đơn ăn dặm nghèo nàn, đơn điệu, thiếu các thức ăn động vật…cũng góp phần gây ra suy dinh dưỡng.

– Trẻ mắc một số bệnh nhiễm trùng: Những trẻ hay mắc phải các bệnh nhiễm trùng như viêm đường hô hấp, viêm tai giữa…và thường xuyên phải sử dụng thuốc kháng sinh có nguy cơ cao bị suy dinh dưỡng. Vì những kháng sinh trong thuốc không chỉ tiêu diệt các vi trùng gây hại cho cơ thể mà còn tiêu diệt các vi khuẩn có lợi ở đường ruột dẫn đến rối loạn tiêu hóa kéo dài, điều này khiến trẻ biếng ăn và không được hấp thu triệt để.

  1. Triệu chứng

– Trẻ bị chậm tăng cân hoặc không tăng cân trong nhiều tháng.

– Trẻ không tăng trưởng về chiều cao.

– Trẻ thường ốm vặt, ho hoặc mắc các bệnh viêm đường hô hấp nhiều lần.

– Trẻ chậm ngồi, chậm bò, chậm đi.

– Trẻ hay quấy khóc, ngủ không ngon giấc.

– Trẻ hay bị rối loạn tiêu hóa, đi ngoài phân sống thường xuyên và kéo dài.

– Da dẻ xanh xao, nhợt nhạt, không hồng hào.

– Cơ nhão không săn chắc.

– Tóc thưa, dễ rụng.

  

  1. Giáo dục sức khỏe

4.1. Chế độ dinh dưỡng

* Trẻ bị suy dinh dưỡng ở mức nhẹ và trung bình

– Các trường hợp trẻ bị suy dinh dưỡng ở mức nhẹ và trung bình có thể điều trị tại nhà bằng cách điều chỉnh khẩu phần ăn của trẻ, cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng như protein, chất béo, vitamin, chất khoáng… để giúp bé phát triển cân nặng.

– Nếu trẻ còn đang bú sữa mẹ, cần xây dựng chế độ ăn lấy sữa mẹ làm trung tâm. Mẹ nên kiên trì khi trẻ không muốn ăn, nên chia thành nhiều bữa nhỏ. Đồng thời cần theo dõi sát sao cân nặng và chiều cao của bé dựa theo biểu đồ tăng trưởng.

– Ngoài ra không nên cai sữa cho trẻ giữa chừng mà cần cho bé bú sữa mẹ cho đến khi trẻ được 18 – 24 tháng tuổi.

– Đối với trẻ suy dinh dưỡng đã cai sữa sau 1 tuổi, bên cạnh việc cho bé ăn đủ chất, mẹ nên cho trẻ uống thêm sữa động vật, sữa béo, sữa canxi…để bổ sung các vi chất giúp xương chắc khỏe.

– Bên cạnh đó tuyệt đối không được quên cho trẻ đi tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch.

* Trẻ bị suy dinh dưỡng ở mức độ nặng

– Trẻ bị suy dinh dưỡng nặng thường xuyên bị mất nước, tiêu chảy, nôn trớ, thậm chí còn bị phù, lở loét ngoài da…cần phải điều trị tại bệnh viện dưới sự tư vấn của bác sĩ.

Khi chăm sóc trẻ bị suy dinh dưỡng nặng, điều phụ huynh cần chú ý nhất là chế độ dinh dưỡng cho trẻ. Với trẻ không bị mất nước hoặc đã phục hồi sau khi bị mất nước ăn thức ăn lỏng, mềm, dễ tiêu hóa sau đó chuyển sang đặc dần, tăng dần calo-protein và chia làm nhiều bữa. Nếu trẻ chưa cai sữa mẹ thì sữa mẹ vẫn là thức ăn tốt nhất. Bổ sung các vi chất dinh dưỡng cần thiết cho trẻ như vitamin A, sắt, kali…theo sự hướng dẫn của bác sĩ.

Trẻ bị suy dinh dưỡng nặng có nguy cơ bị lở loét da gây nhiễm trùng nên bố mẹ cần chú ý vệ sinh thân thể cho trẻ sạch sẽ.

4.2. Phòng suy dinh dưỡng 

– Theo dõi sự phát triển của trẻ thường xuyên bằng biểu đồ phát triển.

– Nuôi trẻ bằng sữa mẹ đúng cách: Cho trẻ bú sữa mẹ ngay trong nửa giờ đầu sau khi sinh, cho trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu, sau đó cho trẻ ăn bổ sung và tiếp tục cho bú mẹ kéo dài cho tới khi trẻ được 24 tháng hoặc lâu hơn.

Tháp dinh dưỡng cho trẻ từ 3-11 tuổi

– Không nên cho trẻ ăn bổ sung sớm khi trẻ chưa được tròn 6 tháng tuổi

– Cho trẻ ăn bổ sung đủ lượng, đủ chất, cân đối với đầy đủ 4 nhóm thực phẩm (Chất đạm; Tinh bột; Chất béo; Vitamin và muối khoáng).

– Đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ.

– Giữ vệ sinh cho trẻ và những người chăm sóc trẻ. Đảm bảo môi trường xung quanh luôn sạch sẽ.

– Khi trẻ ốm (tiêu chảy, viêm phổi, sởi) cần đưa trẻ đi khám bệnh, nuôi dưỡng và điều trị theo sự chỉ dẫn của bác sỹ.

ĐỂ LẠI BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here