THOÁI HÓA KHỚP GỐI

0
374
  1. Đại cương

Bệnh thoái hóa khớp gối là tình trạng mất cân bằng sinh học và cơ học dẫn đến tổn thương nơi sụn khớp gối và xương dưới sụn, từ đây sinh ra các phản ứng sưng, viêm, giảm thiểu dịch khớp gối. Sụn khớp gối đóng vai trò như lớp đệm bảo vệ, giúp giảm chấn động và tránh sự cọ xát giữa hai đầu xương khi khớp cử động. Khi thoái hóa khớp gối xảy ra, sụn khớp bị hao mòn dần tới mức chúng không thể che phủ toàn bộ đầu xương dẫn đến tình trạng cọ sát giữa xương đùi và xương chày gây đau đớn cho bệnh nhân.

  1. Nguyên nhân

– Do tuổi tác

– Trọng lượng cơ thể quá nặng

– Thứ phát sau chấn thương cũ ở gối: Gãy xương, đứt dây chằng gối, tổn thương sụn chêm gối

– Một số bệnh lý vùng gối: Thấp khớp, nhiễm khuẩn…

  1. Triệu chứng

– Đau vùng khớp gối

– Cứng khớp gối: Thường xuất hiện muộn

– Biến dạng khớp gối: muộn hơn cứng khớp gối

  1. Giáo dục sức khỏe

4.1. Hướng dẫn chế độ dinh dưỡng

– Cần bổ sung các thực phẩm giàu Omega-3: cá hồi, hạt é (hạt chia), quả óc chó… giúp làm giảm viêm mạnh mẽ

+ Thực phẩm giàu lưu huỳnh : Lưu huỳnh cũng làm giảm viêm khớp và tái tạo mô. Các thực phẩm nhiều lưu huỳnh như: hành tây, tỏi, măng tây và bắp cải…

+ Thức ăn giàu chất chống oxy hóa như các loại trái cây, rau quả: dưa hấu, đu đủ, bơ, dứa…

+ Những loại thức ăn giàu chất xơ: Giúp  kiểm soát sự thèm ăn, có lợi cho tiêu hóa, làm giảm nguy cơ các bệnh khác nhau và các biến chứng. Các loại này bao gồm: các loại rau, trái cây, ngũ cốc thô, các loại đậu, các loại hạt, quả óc chó…

– Bên cạnh đó chế độ ăn cho người bệnh cần tránh

+ Tránh các đồ ăn cay, nóng

+ Tránh sử dụng các chất kích thích: rượu, bia, cà phê…

4.2. Hướng dẫn chế độ nghỉ ngơi, vận động

– Chế độ nghỉ ngơi: cần có chế độ nghỉ ngơi hợp lý, tránh các công việc nặng, công việc gắng sức.

– Chế độ vận động: tập luyện phải đúng mực, tập dần dần để phục hồi chức năng các khớp, không được nóng vội, nôn nóng. Người bệnh có thể tập thể dục, đi bộ chậm, mỗi ngày từ 20 – 30 phút, tùy vào sức khỏe của người bệnh.

4.3. Hướng dẫn điều trị tại bệnh viện

– Tuân thủ chặt chẽ chế độ điều trị là vấn đề cốt lõi của thành công. Để điều trị thành công cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa bác sỹ và người bệnh

– Dùng thuốc đúng theo y lệnh, báo cáo với bác sĩ những bất thường gặp phải để bác sĩ có điều chỉnh kịp thời (xin ý kiến bác sĩ điều trị).

– Tuân thủ chặt chẽ theo lời khuyên về chế độ ăn, tập luyện

– Kiên trì điều trị.

4.4. Hướng dẫn cách phòng bệnh và chăm sóc sau khi ra viện

– Chống các tư thế xấu trong sinh hoạt và lao động hằng ngày, bảo đảm vệ sinh và an toàn lao động để giảm các lực tì đè bất hợp lý lên sụn khớp.

– Tập thể dục hàng ngày và giữa các giờ lao động. Khi có tuổi, cần duy trì chế độ tập thể dục đều đặn, vừa sức (tốt nhất là đi xe đạp, đi bộ, tập dưỡng sinh…).

– Phát hiện và điều trị sớm các dị tật, các di chứng của chấn thương, các bệnh lý tại khớp và cột sống.

Khi thấy các triệu chứng: sưng, đau nhiều vùng khớp gối… cần đến cơ sở y tế khám và điều trị.

ĐỂ LẠI BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here