THIẾU MÁU SAU SINH VÀ NHỮNG BIẾN  CHỨNG MẸ CẦN LƯU Ý

0
2193
  1. Đại cương

Thiếu máu sau sinh là tình trạng thiếu sắt mãn tính sau khi sinh. Người bệnh có nồng độ hemoglobin dưới 110g/L sau một tuần sinh và dưới 120 g/L sau 8 tuần sinh.

Thiếu máu sau sinh có thể gây ra một số rủi ro cho mẹ nếu không được điều trị kịp thời :Kém tập trung, không có khả năng hoàn thành  công việc hàng ngày do mệt mỏi; mẹ có nguy cơ sinh non hoặc biến chứng trong những lần sinh tiếp theo, thậm chí có thể dẫn tới tử vong do quá mệt mỏi và chóng mặt.

  1. Nguyên nhân gây thiếu máu sau sinh

– Chế độ ăn uống nghèo nàn

– Mất máu sau sinh: Việc ra máu nhiều trong khi sinh (trên 500 ml) có thể làm cạn kiệt lượng sắt dự trữ của cơ thể và dẫn đến thiếu máu sau sinh. Mất máu càng nhiều thì nguy cơ bị thiếu máu của mẹ càng cao.

Bị bệnh đường ruột: trong trường hợp bị rối loạn đường ruột như bệnh celiac, bệnh Crohn và bệnh viêm ruột, khả năng hấp thụ sắt của mẹ sẽ kém hơn.

  1. Biểu hiện của thiếu máu sau sinh

– Mẹ cảm thấy kiệt sức, mệt mỏi, yếu đuối, áp lực, bối rối, da dẻ nhợt nhạt.

– Chất lượng và lượng sữa mẹ cũng bị giảm, điều này khiến bé tăng cân chậm hoặc không tăng cân.

– Mẹ khó thở, chóng mặt, quay cuồng, tim đập loạn nhịp, nhức đầu, cáu gắt, tâm trạng thất thường.

Khi bị thiếu máu chị em thường cảm thấy hoa mắt, chóng mặt

– Trong chuyện chăn gối, mẹ giảm ham muốn.

Khả năng miễn dịch cũng suy giảm.

Mẹ có thể trải qua tất cả những triệu chứng này cùng một lúc. Nếu gặp bất cứ triệu chứng nào không kiểm soát được, mẹ hãy đến gặp bác sĩ ngay để tránh các biến chứng nguy hiểm.

  1. Chăm sóc thiếu máu sau sinh

4.1. Hướng dẫn chế độ dinh dưỡng

Để điều trị thiếu máu sau sinh, chị em cần thực hiện một số thay đổi về chế độ ăn

Uống bổ sung sắt để cải thiện nồng độ sắt trong máu. Mẹ có thể uống thuốc viên, viên nang hoặc các loại thuốc bổ theo chỉ định của bác sĩ (khuyến cáo: nên uống trước ăn 30 phút, không nên kết hợp viên sắt cùng canxi)

Ăn các thực phẩm giàu chất sắt như: các loại rau lá xanh, các loại đậu, bí ngô, đậu phụ, ngũ cốc, gạo lức, măng tây, khoai tây, bí đao, thịt bò, hàu, thịt gà, dâu tây.

Bổ sung thực phẩm giàu sắt và vitamin C

Giảm uống trà bởi trong trà có tannin, làm chậm hấp thu sắt trong cơ thể. Tương tự, ăn nhiều thực phẩm chứa canxi cũng làm giảm sự hấp thu sắt.

Ăn các thực phẩm giàu vitamin C bởi nó sẽ tăng cường hấp thu sắt trong cơ thể.

Uống nhiều nước giúp mẹ giữ nước và cải thiện lưu lượng máu sau khi sinh đồng thời giúp ngăn ngừa máu cục, nhiễm trùng đường tiết niệu.

4.2. Hướng dẫn chế độ nghỉ ngơi, vận động

– Trong tuần đầu sau khi sinh mẹ nên cố gắng ngủ những khi có thể ngủ được. Càng nghỉ ngơi nhiều càng tốt. Việc ngủ đủ giấc và ngủ sâu giúp các bà mẹ tái tạo năng lượng, sản xuất sữa tốt hơn và tránh stress, trầm cảm sau sinh. Mặt khác, các bà mẹ cần cẩn thận hơn trong chăm sóc cơ thể, sinh hoạt hay chọn thực phẩm để mau hồi phục sức lực, nhất là với những sản phụ sinh mổ thường hồi phục chậm hơn so với sinh thường.

– Sản phụ không được làm việc nặng, không ngồi quá lâu và dành nhiều thời gian để nghỉ ngơi, thư giãn. Đặc biệt, việc cho con bú sớm – sau sinh 24 tiếng sẽ giúp tử cung hồi phục tốt, tránh được bệnh sa tử cung, giảm nguy cơ băng huyết sau sinh.

– Vận động nhẹ nhàng

– Sau khi vết thương đã lành và ổn định, các mẹ nên vận động, massage thư giãn, xoa bóp tay chân với liều lượng thích hợp, vừa phải để đẩy hết sản dịch ra ngoài, giúp khí huyết lưu thông, giúp ăn ngủ tốt hơn.

4.3. Hướng dẫn trong quá trình điều trị tại bệnh viện.

Để điều trị thành công cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa bác sỹ và người bệnh

Dùng thuốc đúng theo y lệnh, báo cáo với bác sĩ những bất thường gặp phải để bác sĩ có điều chỉnh kịp thời (xin ý kiến bác sĩ điều trị).

Tuân thủ chặt chẽ theo lời khuyên về chế độ ăn, tập luyện, thay đổi lối sống có lợi cho sức khỏe.

4.4. Hướng dẫn cách phòng bệnh và chăm sóc sau khi ra viện

Để phòng chống thiếu máu, thiếu sắt cần có chế độ dinh dưỡng đầy đủ với đa dạng các loại thực phẩm và các thực phẩm giàu chất sắt, tăng cường sử dụng các thực phẩm có bổ sung sắt. Các thực phẩm giàu chất sắt thường có màu đỏ như thịt, cá, gan, huyết luộc, lòng đỏ trứng, các loại rau xanh như rau dền, bồ ngót, rau đay, rau muống…, các loại đậu và nấm. Sắt từ thức ăn có nguồn gốc động vật sẽ dễ hấp thu hơn nguồn gốc thực vật. Các loại trái cây tươi giàu Vitamin C như cam, chanh, bưởi, táo, đu đủ, chuối… dùng trong bữa ăn sẽ giúp hấp thu chất sắt từ thực phẩm tốt hơn.

Đối với những người có nguy cơ thiếu máu, thiếu sắt cao như phụ nữ có thai, cần uống bổ sung chất sắt mỗi ngày một liều với 60mg sắt nguyên tố (và 400mcg Acid Folic) ngay từ khi biết có thai cho đến sau sinh một tháng.

– Không sử dụng các chất kích thích: rượu, bia, cà phế

Sau khi ra viện nếu xuất hiện các triệu chứng: hoa mắt, chống mặt, mệt mỏi ngày càng tăng…cần đến cơ sở y tế khám.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here