- Đại cương
Bệnh “Tay – chân – miệng” là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus đường ruột gây ra.
Bệnh xảy ra quanh năm, tăng cao từ tháng 2 – 4 và từ tháng 9 – 12. Dễ gây thành dịch do bệnh lây nhanh từ trẻ này sang trẻ khác từ các chất tiết mũi, miệng, phân, nước bọt lúc trẻ bệnh ho, hắt hơi, qua thức ăn, nước uống bị nhiễm virus.
Mọi người đều có thể nhiễm virus nhưng không phải tất cả những người nhiễm virus đều biểu hiện bệnh. Trẻ nhũ nhi, trẻ em và thiếu niên là những đối tượng dễ bị nhiễm bệnh và biểu hiện bệnh nhất vì cơ thể chưa có kháng thể chống lại bệnh này. Nhiễm bệnh có thể tạo nên kháng thể đặc hiệu chống virus gây bệnh tuy nhiên bệnh vẫn có thể tái diễn do một chủng virus khác gây nên. Bệnh nếu không được điều trị kịp thời có thể gây ra biến chứng tim mạch, phù phổi, viêm não – màng não và tử vong nếu không được phát hiện sớm và điều trị xử trí kịp thời.
- Nguyên nhân
Do virus đường ruột gây ra. Phổ biến nhất là nhóm Coxasackieviruses A16 và Enterovirus EV 71.
- Triệu chứng
– Sốt nhẹ (38 – 38,5oC)
– Đau họng, sổ mũi
– Xuất hiện các mụn nước ở niêm mạc miệng, thường là ở mặt trong má, lợi, mặt bên của lưỡi; các mụn nước có kích thước nhỏ (2-3mm) nằm trên một nền niêm mạc viêm đỏ. Tiếp theo, xuất hiện các mụn nước, bọng nước ở bàn chân, bàn tay, đôi khi gặp cả mụn nước, bọng nước ở mông
- Giáo dục sức khỏe
4.1. Hướng dẫn chế độ dinh dưỡng
– Cho trẻ ăn các thức ăn mềm, lỏng, dễ tiêu như: cháo, bột, sữa và uống nhiều nước nhất là nước hoa quả có nhiều vitamin C.
– Thức ăn, nước uống lạnh giúp trẻ dễ ăn hơn vì trẻ đau miệng.
– Vệ sinh khay ăn, thau chậu, bô, và các vật dụng của trẻ bằng xà phòng.
– Vệ sinh mắt, mũi họng hàng ngày cho trẻ bằng dung dịch nước muối sinh lý 0,9%.
4.2. Hướng dẫn chế độ nghỉ ngơi, vận động
Cho trẻ nghỉ ngơi, quan sát tránh để trẻ gãi, cào làm trợt các nốt phỏng nước, theo dõi phát hiện sớm các dấu hiệu nặng của bệnh và báo nhân viên y tế.
4.3. Hướng dẫn điều trị tại bệnh viện
Dùng thuốc đúng theo y lệnh, báo cáo với bác sĩ những bất thường gặp phải để bác sĩ có điều chỉnh kịp thời (xin ý kiến bác sĩ điều trị).
Tuân thủ chặt chẽ theo lời khuyên về chế độ ăn, tập luyện, thay đổi lối sống có lợi cho sức khỏe.
4.4. Hướng dẫn cách phòng bệnh và chăm sóc sau khi ra viện
+ Rửa tay cho trẻ bằng xà phòng và nước sạch nhất là trước khi ăn và sau khi vệ sinh.
+ Người chăm sóc trẻ cũng cần rửa tay nhiều lần nhất là khi chế biến thức ăn, trước khi cho trẻ ăn và sau khi vệ sinh cho trẻ.
+ Không cho trẻ mút tay hoặc đưa đồ chơi lên miệng.
+ Cho trẻ ăn chín uống chín
+ Thường xuyên vệ sinh sàn nhà, đồ chơi, vận dụng của trẻ bằng xà phòng hoặc nước sát khuẩn.
+ Khi thấy trẻ sốt và xuất hiện nốt phỏng ở bàn tay, bàn chân hoặc niêm mạc miệng, cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế khám.