Đại cương
– Sỏi mật là sự hình thành và hiện diện của sỏi ở đường dẫn mật trong, ngoài gan (túi mật, ống túi mật, ống mật chủ, đường mật trong gan). Sỏi mật là bệnh khá phổ biến ở nước ta, là nguyên nhân hàng đầu gây nhiễm khuẩn gan mật, tắc mật. Ở nước ta, sỏi ống mật chủ chiếm 95% sỏi túi mật chiếm 4-5%. Bệnh nếu không được điều trị kịp thời gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm. điều trị chủ yếu là mổ lấy sỏi và dẫn lưu đường mật.
- Nguyên nhân
– Nhiễm khuẩn: các vi khuẩn chủ yếu theo giun từ ruột chui lên đường mật gây viêm nhiễm, làm đường mật giãn to và ứ mật.
– Ký sinh trùng đường mật
Sự xâm nhập của ký sinh trùng vào đường mật nhất là giun đũa kéo theo các vi khuẩn đường ruột là nguyên nhân hay gặp ở nước ta. Sự hiện diện của sỏi trong đường dẫn mật dẫn tới bệnh lý nhiễm trùng và tắc đường mật.
- Triệu chứng
– Cơn đau quặn gan: đau đột ngột dữ dội ở vùng dưới sườn phải, lan lên vai hoặc bả vai phải. Xảy ra sau bữa ăn nhiều mỡ, đau về đêm (lúc 22-24 giờ). Khi đau kèm theo nôn, không giám thở mạnh. Cơn đau kéo dài vài giờ đến vài ngày, có thể tái phát.
– Sốt: khoảng 12 giờ sau cơn đau có sốt cao rét run do viêm đường mật hoặc túi mật.
– Vàng da: Sau cơn đau 24 giờ, xuất hiện vàng da, tùy thuộc mức độ tắc mật có thể vàng nhẹ hoặc vàng đậm. Đi ngoài phân bạc màu, ngứa trên da.
– Rối loạn tiêu hóa: Chậm tiêu, bụng trướng hơi, sợ mỡ, táo bón, ỉa chảy sau bữa ăn.
– Siêu âm phát hiện số lượng, kích thước sỏi, tổn thương kèm theo.
– Chụp đường mật cản quang thấy hình ảnh sỏi ở đường mật.
– Xét nghiệm chức năng gan: bilirrubin kết hợp tăng, AST, ALT tăng.
- Giáo dục sức khỏe
4.1. Hướng dẫn chế độ dinh dưỡng
Để tránh ứ đọng mật và nhiễm khuẩn đường mật, cần hạn chế các thức ăn gây táo bón. Nếu bị viêm túi mật cấp tính, nên ăn bột ngũ cốc, khoai nghiền, uống nước quả, nước rau…
Các bệnh ở mật gồm nhiều bệnh như viêm túi mật cấp tính, viêm túi mật mãn tính, viêm đường mật, tắc mật do sỏi đường mật trong gan, sỏi ống mật chủ …Thực hiện một chế độ dinh dưỡng hợp lý sẽ giúp cho quá trình điều trị bệnh hiệu quả hơn.
– Chế độ ăn khi bị viêm túi mật cấp tính
Khi bị viêm túi mật cấp tính, cần phải để cho túi mật nghỉ ngơi, muốn vậy phải loại bỏ hoặc giảm bớt các chất béo trong chế độ ăn và cả chất protid nữa vì chúng làm cho túi mật tăng co bóp. Chế độ ăn chỉ nên có glucid như nước đường, nước quả, nước rau, sau đó cho thêm bột như ngũ cốc, khoai nghiền và cần phải ăn nhạt, nhiều xơ để chống táo bón, có thể ăn sữa đã tách bơ.
– Chế độ ăn khi bị viêm túi mật mãn tính
Trong trường hợp viêm túi mật hoặc đường mật mãn tính, bệnh nhân thường có triệu chứng rối loạn tiêu hóa, cần áp dụng một chế độ ăn cụ thể:
+ Cần hạn chế các chất béo nhằm tránh chướng bụng, khó tiêu hóa
+ Với các thức ăn giàu protid: Hằng ngày chỉ ăn một lần thịt, dùng loại thịt trắng và nạc không có mỡ. Đạm thực vật (các loại đậu: đậu nành…) nên ăn dưới dạng nghiền nát, ninh nhừ.
+ Với các thức có nhiều glucid: Nên dùng nhiều đường vì dễ tiêu, không ảnh hưởng xấu đến mật, không dùng sôcôla hoặc ca cao, không dùng các thức ăn có trộn thêm trứng và bột (ví dụ các loại bánh ngọt) vì gây khó tiêu. Rau quả có thể dùng nhiều hơn so với các bệnh ỏ gan.
– Chế độ ăn khi bị sỏi mật
+ Theo vị trí, sỏi mật được chia làm hai nhóm chính: Sỏi túi mật và sỏi đường mật. Ở các nước nhiệt đới, các nước nghèo, sỏi đường mật chiếm đa số vì nó liên quan đến nhiễm khuẩn đường mật, trong đó phải kể đến một số nguyên nhân quan trọng là do giun và trứng giun gây ra.
+ Tính chất của sỏi cũng chia làm hai loại: sỏi sắc tố mật (chủ yếu là bilirubinatcalci) và sỏi cholesterol thường gắn với tình trạng béo phì, với chế độ ăn nhiều chất béo và cholesterol máu cao.
+ Để tránh ứ đọng mật và nhiễm khuẩn đường mật cần hạn chế các thức ăn gây táo bón (các thức ăn, đồ uống có nhiều tanin) vì táo bón tạo cơ hội cho vi khuẩn có hại ở đường ruột phát triển mạnh và dẫn đến viêm tá tràng, viêm túi mật và ống mật, làm cho mật dễ lắng đọng thành sỏi mật.
+ Để tránh bị sỏi cholesterol, cần hạn chế các thức ăn có nhiều mỡ động vật và chứa nhiều cholesterol. Những thức ăn có nhiều cholesterol là các phủ tạng động vật như óc, tim, gan, lòng, bầu dục, lòng đỏ trứng gà…
Bảng: Hàm lượng cholesterol (mg) có trong 100g thực phẩm
Danh sách những thực phẩm giàu chất béo (cần tránh) và lựa chọn thay thế
4.2. Hướng dẫn chế độ nghỉ ngơi, vận động
+ Người bị sỏi mật cần tăng thêm vận động thể lực: vì khi vận động sẽ làm tăng hoạt động cơ, làm tăng nhu động mật, làm giảm sự ứ trệ. Nó giúp tăng cường hoạt động của hệ tiêu hóa và giảm hẳn nguy cơ sỏi mật. Các môn thể thao như đi bộ, chạy chậm, tập dưỡng sinh là những môn thể thao tốt với mọi lứa tuổi. Nếu có thể, buổi sáng bạn vận động 30 phút, buổi chiều vận động 30 phút.
4.3. Hướng dẫn trong quá trình điều trị tại bệnh viện
Tuân thủ chặt chẽ chế độ điều trị. Dùng thuốc đúng theo y lệnh: Các thuốc giảm đau, kháng sinh, cân bằng nước và điện giải… Nếu có những bất thường như buồn nôn, chóng mặt, ngứa, khó thở,… báo ngay với nhân viên y tế.
Tuân thủ chặt chẽ theo lời khuyên về chế độ ăn, tập luyện, thay đổi lối sống có lợi cho sức khỏe.
Theo dõi ống dẫn lưu Kehr với trường hợp phẫu thuật lấy sỏi ống mật chủ: Màu sắc, số lượng dịch mật qua ống bình thường dịch mật có màu vàng trong số lượng 500ml/ngày sau đó giảm dần. Dịch mật không được rỉ ra chân ống dẫn lưu, nếu có rỉ phải báo ngay NVYT.
4.4. Hướng dẫn cách phòng bệnh và chăm sóc sau khi ra viện
– Ăn đủ bữa, do thói quen bỏ qua bữa sáng có thể làm tăng đáng kể nguy cơ mắc bệnh sỏi túi mật. Vì vậy, chúng ta cần phải cố gắng ăn đầy đủ và đúng bữa, nhất là bữa sáng đừng để cơ thể bị bỏ đói.
– Dinh dưỡng hợp lý: nên có chế độ ăn hợp lý, cân đối dinh dưỡng và hạn chế thực phẩm giàu cholesterol.
– Thường xuyên vận động thể lực, hạn chế ngồi nhiều với những bài tập đơn giản nhẹ nhàng trong khoảng 30-45 phút mỗi ngày.
+ Khám sức khỏe định kỳ tại các cơ sở y tế nhất là với người già, phụ nữ có thai.
+ Khi thấy 1 trong các triệu chứng bất thường như: đau quặn vùng gan, sốt, rối loạn tiêu hóa … cần đến cơ sở y tế để khám và điều trị.