- Dùng thuốc hạ sốt khi nào
Nhiệt độ cơ thể (thân nhiệt) ở trẻ em thì không cố định mà có thể thay đổi theo nhiệt độ môi trường. Khoảng thân nhiệt bình thường của trẻ từ 36,50C – 37,50C. Trẻ được xác định là sốt khi thân nhiệt trên 37,50C, sốt cao khi nhiệt độ trên 38,50C.
Nên biết rằng sốt là một hiện tượng có lợi vì khi sốt thì nhiệt độ cơ thể tăng, sức đề kháng của cơ thể cũng tăng giúp tiêu diệt các tác nhân gây bệnh. Do đó chỉ nên cho trẻ uống thuốc hạ sốt khi bị sốt cao từ 38,5 oC trở lên.
Thông thường, khi sốt nhẹ không nên dùng thuốc hạ nhiệt ngay mà nên chườm nước ấm, không được chườm lạnh hoặc không dùng nước đá để chườm cho người bệnh bất kể là trẻ em hay người trưởng thành. Để có hiệu quả thì cần dùng khăn sạch nhúng nước ấm (nhiệt độ của nước thấp hơn nhiệt độ của cơ thể người bệnh khoảng 2oC). Chườm vào trán, nách, bẹn nơi có các mạch máu lớn đi qua để làm tỏa nhiệt nhanh hơn. Khi trẻ đã giảm thân nhiệt gần với mức bình thường (37oC) thì ngừng lau mát, sau đó nếu thân nhiệt lại tăng lên thì công việc lau mát lại tiếp tục. Không nên mặc nhiều áo, quần, tã lót (trẻ nhỏ) và nên nằm ở nơi thoáng mát. Không nên nằm trong phòng máy lạnh ở nhiệt độ thấp và cũng không nên quạt mát bằng cách cho quạt xoáy gió vào trẻ.
Tuy nhiên, một số trường hợp cần cho trẻ uống thuốc hạ sốt sớm hơn như:
- Dọa co giật ở trẻ từ 6 tháng tới 6 tuổi hay trẻ có tiền căn động kinh, có anh (em) trước đây đã bị sốt cao co giật.
- Sốt khiến trẻ khó chịu, bỏ bú, bỏ ăn.
Vậy sau khi trẻ cắt sốt, có nên cho trẻ dung thuốc hạ sốt tiếp không? Vì sốt chỉ là một triệu chứng của bệnh nào đó nên khi biết được nguyên nhân gây bệnh, sốt giúp ta theo dõi hiệu quả của việc điều trị. Do đó đối với trẻ lớn, ít có nguy cơ bị biến chứng của sốt (co giật), có thể dùng thuốc điều trị mỗi khi có cơn sốt, không nhất thiết phải uống thường xuyên. Riêng với trẻ có tiền căn động kinh, có anh (em) trước đây đã bị sốt cao co giật; trẻ bỏ bú, bỏ ăn do sốt, có thể cho trẻ uống cách 4 – 6 tiếng.
- Sử dụng paracetamol hạ sốt ở trẻ em như thế nào?
a) Tại sao dùng paracetamol hạ sốt cho trẻ
Paracetamol thường là thuốc được lựa chọn hàng đầu đối với sốt ở trẻ. Paracetamol tương đối an toàn, không có nguy cơ gây chảy máu và tác dụng không mong muốn về dạ dày-ruột.
b) Liều dùng, cách dùng paracetamol
Không được dùng paracetamol để tự điều trị giảm đau quá 10 ngày ở người lớn hoặc quá 5 ngày ở trẻ em, trừ khi do thầy thuốc hướng dẫn, vì đau nhiều và kéo dài như vậy có thể là dấu hiệu của một tình trạng bệnh lý cần thầy thuốc chẩn đoán và điều trị có giảm sát.
Không dùng paracetamol cho người lớn và trẻ em để tự điều trị sốt cao (trên 39,5oC), sốt kéo dài trên 3 ngày, hoặc sốt tái phát, trừ khi do thầy thuốc hướng dẫn, vì sốt như vậy có thể là dấu hiệu của một bệnh nặng cần được thầy thuốc chẩn đoán nhanh chóng.
Ðể giảm thiểu nguy cơ quá liều, không nên cho trẻ em quá 5 liều paracetamol để giảm đau hoặc hạ sốt trong vòng 24 giờ, trừ khi do thầy thuốc hướng dẫn.
Liều thường dùng 10 – 15 mg/kg/lần, có thể lập lại mỗi 4 – 6 giờ nếu trẻ vẫn còn sốt cao, không quá 5 lần/ngày.
Tổng liều tối đa không quá 60 mg/kg thể trọng/24 giờ.
Có thể đo liều thuốc paracetamol dạng lỏng với muỗng hoặc dụng cụ đo liều chuyên dụng
Các bước sử dụng thuốc đạn hạ sốt
c) Chú ý khi dùng thuốc paracetamol
Paracetamol dùng liều cao, kéo dài có thể gây hoại tử gan. Vì tính độc hại của paracetamol với trẻ em khi dùng liều cao và kéo dài nên phụ huynh cần lưu ý hai loại bệnh sau đây hầu như không đáp ứng hạ nhiệt với liều điều trị như đã nói ở trên, đó là bệnh sốt xuất huyết và bệnh Kawasaki. Đặc biệt là bệnh sốt xuất huyết, bố mẹ hết sức lo lắng khi thấy con mình sốt cao liên tục nên thường cho uống paracetamol liều cao hơn bình thường và thời gian uống với khoảng cách ngắn hơn. Điều này sẽ gây độc cho gan.
Paracetamol có thể được đưa vào cơ thể bằng nhiều đường khác nhau nhưng thông dụng nhất vẫn là đường uống. Khi trẻ không uống được, nôn ói nhiều, đang co giật hoặc trẻ đang ngủ mà bạn không muốn đánh thức trẻ dậy thì có thể dùng thuốc nhét hậu môn. Dạng thuốc nhét hậu môn sẽ không dùng được khi trẻ bị tiêu chảy, bị viêm hoặc vết thương vùng hậu môn và dạng thuốc này cũng có thể gây ngứa hậu môn khi dùng.
Không nên dùng nhiều loại có chung tác dụng cùng một lúc dễ gây ngộ độc vì quá liều như uống viên nén tiffy, decolgen, pamin, sirô tiffy, viên đặt hậu môn, viên sủi, thuốc bột… Thuốc gói, thuốc viên có nhiều hàm lượng khác nhau nên phải lưu ý khi dùng./.