Trước những gánh nặng bệnh tật toàn cầu của tăng huyết áp, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Hội Tăng huyết áp thế giới (ISH) đã lấy ngày 17/5 hàng năm là Ngày phòng chống tăng huyết áp thế giới. Tại Việt Nam, Hội Tim mạch Việt Nam kết hợp với Phân Hội Tăng huyết áp Việt Nam thực hiện chương trình này tại nhiều địa điểm trên cả nước nhằm kêu gọi sự quan tâm và nỗ lực của cộng đồng phòng chống căn bệnh thế kỷ là tăng huyết áp.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cứ 2 giây có 1 người chết vì bệnh tim mạch. Cứ 5 giây thì có 1 trường hợp nhồi máu cơ tim và 6 giây thì có một trường hợp đột quỵ.
Trên thế giới và tại nước ta, tỉ lệ mới mắc THA chưa có xu hướng chững lại mà gia tăng. Thống kê được công bố gần đây của Tổ chức Y tế thế giới cho thấy 1/3 người lớn bị THA trong vòng 5 năm qua. Đáng lưu ý là sự trẻ hóa của các bệnh nhân THA, nhiều trường hợp tuổi đời chỉ xấp xỉ 35- 40 tuổi. Giải thích điều này theo các tài liệu cho thấy có nhiều yếu tố như: lối sống không lành mạnh, lạm dụng rượu bia, đô thị hóa, tác động tâm lý xã hội, bệnh lý phối hợp như đái tháo đường, suy thận… cũng như sự nhận thức của người dân chưa cao, thậm chí cả nhân viên y tế cũng coi thường việc dự phòng căn bệnh thế kỷ này.
Để phòng tránh THA về cơ bản là phải thay đổi lối sống, hạn chế ăn mặn, bia rượu, thuốc lá, chọn chế độ ăn nhiều rau củ quả, tránh căng thẳng, tập thể dục đều đặn, giảm cân và kiểm tra sức khỏe toàn diện toàn dân là bước phòng tránh ưu việt.
Ngày 17/5 là ngày do Tổ chức THA thế giới (International Society of Hypertension, viết tắt là ISH) và Liên đoàn Tim mạch thế giới (World Health League, viết tắt là WHL) chọn nhằm kêu gọi sự quan tâm và nỗ lực của cộng đồng trên toàn thế giới phòng chống căn bệnh thế kỷ là tăng huyết áp. Hằng năm, tổ chức này đều đưa ra một chủ đề, riêng năm nay chủ đề là Tháng 5 đo huyết áp (May Measurement Month, viết tắt là MMM) với ý nghĩa là toàn thế giới sẽ đánh thức sự quan tâm của người dân bằng việc đo huyết áp chủ yếu cho các đối tượng chưa được đo lần nào, càng nhiều người càng tốt với chiến dịch kéo dài trên toàn thế giới suốt tháng 5.
Hưởng ứng Ngày thế giới phòng chống tăng huyết áp năm 2022 với chủ đề “Hãy đo đúng và kiểm soát tốt huyết áp để sống khoẻ, sống lâu”, Bệnh viện Đa khoa huyện Hà Trung xin nhắc lại hướng dẫn về cách đo huyết áp tại nhà của Bộ Y tế:
- Nghỉ ngơi trong phòng yên tĩnh tối thiểu 5 – 10 phút trước khi đo huyết áp.
- Trước đó 2 giờ không dùng chất kích thích như cà phê, thuốc lá, rượu bia.
- Tư thế đo chuẩn: người được đo huyết áp ngồi trên ghế tựa, cánh tay duỗi thẳng trên bàn, nếp khuỷu tay nằm ngang mức tim. Ngoài ra, bệnh nhân cũng có thể được đo huyết áp ở các tư thế nằm, đứng. Người cao tuổi hoặc có bệnh đái tháo đường nên đo huyết áp ở tư thế đứng nhằm xác định có tình trạng hạ huyết áp tư thế không.
- Sử dụng huyết áp kế và các thiết bị đo đã được kiểm chuẩn định kỳ. Bề dài của bao đo (nằm trong băng quấn) tối thiểu phải bằng 80% chu vi cánh tay, bề rộng tối thiểu bằng 40% chu vi cánh tay. Sau đó, người thực hiện đo huyết áp cần quấn băng đủ chặt, bờ dưới bao đo ở trên nếp lằn khuỷu tay 2 cm và đặt máy ở vị trí đảm bảo máy hoặc mốc 0 của thang đo ngang mức với tim.
- Với trường hợp không dùng máy đo huyết áp tự động, trước khi đo huyết áp cần xác định vị trí động mạch cánh tay để đặt ống nghe. Sau khi không còn thấy mạch đập cần bơm hơi thêm 30 mmHg rồi xả hơi với tốc độ 2 – 3 mmHg/nhịp đập. Huyết áp tâm thu thu được ở thời điểm xuất hiện tiếng đập đầu tiên (pha I của Korotkoff) và huyết áp tâm trương tương ứng với thời điểm mất hẳn tiếng đập (pha V của Korotkoff).
- Ở lần đo đầu tiên cần đo huyết áp ở cả hai cánh tay. Đo huyết áp tay nào có trị số cao hơn sẽ được dùng để theo dõi huyết áp về sau.
- Nên đo huyết áp tối thiểu 2 lần, mỗi lần cách nhau tối thiểu 1 – 2 phút. Nếu số đo huyết áp giữa 2 lần chênh nhau trên 10 mmHg thì cần đo lại một vài lần sau khi đã cho bệnh nhân nghỉ trên 5 phút. Giá trị huyết áp được ghi nhận là phép chia trung bình của 2 lần đo cuối cùng.
- Trong trường hợp nghi ngờ có thể theo dõi huyết áp bằng máy đo tự động tại nhà hoặc bằng máy đo huyết áp tự động 24 giờ (còn gọi là Holter huyết áp).
- Ghi lại số đo huyết áp theo đơn vị mmHg dưới dạng huyết áp tâm thu/huyết áp tâm trương (ví dụ 126/82 mmHg). Người ghi lại trị số huyết áp không làm tròn số quá hàng đơn vị và cần thông báo ngay kết quả cho người được đo.
Cần lưu ý một số nội dung sau khi đo huyết áp
– Thời điểm đo: Nên đo huyết áp đều đặn vào cùng một thời điểm mỗi ngày khi cơ thể đang trong trạng thái thư giãn nghỉ ngơi, tâm lý thoải mái.
– Tư thế đo: Tư thế nằm hoặc ngồi sao cho băng quấn cánh tay ngang với tim. Không nói chuyện khi đang đo huyết áp.
– Tần suất đo: Từ 30 tuổi trở lên, với sức khỏe bình thường nên kiểm tra huyết áp ít nhất 1 tháng 1 lần. Đối với bệnh nhân tăng huyết áp cần đo huyết áp hàng ngày.
– Có thể đo huyết áp nhiều lần trong ngày nhưng nên sử dụng cùng một loại máy đo huyết áp. Đo huyết áp nhiều lần giúp làm tăng độ chính xác ở bệnh nhân có rối loạn nhịp tim, ví dụ như bị rung nhĩ.
– Không nói chuyện khi đang đo huyết áp.
Ở người trưởng thành, khi chỉ số huyếp áp tâm thu trên 140 mmHg và huyết áp tâm trương trên 90 mmHg được xem là tăng huyết áp. Hiện nay, với sự trợ giúp của các loại huyết áp điện tử, mỗi người hoàn toàn có thể tự thực hiện thao tác đo huyết áp tại nhà để biết được theo dõi tình trạng huyết áp của bản thân.
Kiểm tra huyết áp thường xuyên giúp phát hiện bệnh sớm, thuận lợi cho điều trị chính là giải pháp tốt nhất giúp chăm sóc sức khỏe tim mạch của mỗi chúng ta.
(Nguồn: Sưu tầm)