- Đại cương
Vi-rút cúm lây nhiễm ở người được phân thành ba nhóm chính: A, B và C.
Cúm A là căn bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính thường lưu hành khi thời tiết chuyển mùa, do các chủng virus cúm A phổ biến như A/H1N1, A/H3N2, A/H5N1, A/H7N9 gây nên.
Bệnh cúm A thường bị nhầm lẫn với bệnh cảm thông thường do những triệu chứng tương tự, tuy nhiên bệnh diễn tiến nhanh, tiềm ẩn nhiều nguy hiểm và có nguy cơ cao bùng phát thành dịch và đại dịch.
- Đường lây
Bệnh lây lan qua đường hô hấp thông qua các hạt bụi nước, giọt bắn li ti dính virus được thải ra khi người bệnh ho, hắt hơi hoặc qua tiếp xúc với các đồ vật, bề mặt nhiễm virus rồi đưa lên mắt, mũi, miệng…
Bất kỳ ai cũng có thể mắc các chủng virus cúm A. Tỷ lệ cảm nhiễm các chủng virus cúm mới rất cao, có thể lên đến 90% ở người lớn và trẻ em. Một số đối tượng có nguy cơ mắc cao hơn và diễn biến nặng hơn khi mắc bệnh, gồm:
- Trẻ em <5 tuổi, trong đó trẻ em <2 tuổi có nguy cơ nhiễm bệnh rất cao;
- Người lớn >65 tuổi;
- Những người có bệnh nền mãn tính như: tiểu đường, tim phổi, suy thận hoặc suy gan, suy giảm miễn dịch,…;
- Phụ nữ mang thai, đặc biệt là trong 3 tháng giữa hoặc cuối thai kỳ;
- Bệnh nhân suy giảm khả năng nhận thức, rối loạn thần kinh cơ, đột quỵ, động kinh,…;
- Những người làm việc ở môi trường đông người như trường học, bệnh viện, công sở có nguy cơ nhiễm bệnh cao.
- Triệu chứng
Triệu chứng xuất hiện đột ngột, và thường kèm theo một số hoặc tất cả các triệu chứng sau:
– Sốt hoặc cảm thấy sốt, ớn lạnh;
– Ho, đau họng;
– Chảy nước mũi hoặc nghẹt mũi;
– Đau cơ toàn bộ cơ thể; đau đầu; mệt mỏi… có trường hợp có thể bị nôn mửa và tiêu chảy (phổ biến ở trẻ em).
Nếu các triệu chứng kéo dài hơn một tuần mà không cải thiện cần tới khám với bác sĩ để tránh những biến chứng nghiêm trọng xảy ra.
* Phân biệt nhiễm cúm A và nhiễm COVID-19
Triệu chứng | Cúm A | COVID-19 |
Khó thở | Thường không gây khó thở | Gây khó thở nhưng có thể không có hoặc nhẹ ở người đã tiêm vắc xin phòng COVID-19 |
Mất khứu giác | Liên quan đến nghẹt mũi (do tích tụ chất nhầy) | Mất khứu giác đột ngột không có sự tắc nghẽn nào |
Tuy nhiên triệu chứng của bệnh cúm A, COVID-19 và các bệnh đường hô hấp nói chung là tương tự nhau hoặc có thể do bị nhiễm cả bệnh cúm A và COVID-19 cùng một lúc, nên không thể phân biệt cúm A và COVID nếu chỉ dựa trên các triệu chứng. Do đó chỉ có xét nghiệm sinh học (nuôi cấy virus, chẩn đoán huyết thanh học, xét nghiệm nhanh phát hiện kháng nguyên, phản ứng chuỗi men RT-PCR, miễn dịch huỳnh quang) mới có giá trị chẩn đoán chính xác tác nhân gây bệnh.
- Biến chứng
Hầu hết sau khi nhiễm Virus cúm A người bệnh có thể bình phục trong vài ngày đến dưới hai tuần, nhưng một số người sẽ phát triển các biến chứng: nhiễm trùng tai, tiêu chảy, buồn nôn, nôn, chóng mặt, đau bụng, đau ngực, hen suyễn, viêm phổi, viêm phế quản, và gây ra các vấn đề về tim mạch.
Những biến chứng do cúm A gây ra nếu không được phát hiện và can thiệp kịp thời có thể ảnh hưởng lớn đến sức khỏe và tính mạng
- Truyền thông giáo dục sức khoẻ
5.1 Chế độ dinh dưỡng cho người bệnh mắc cúm A
Ăn uống đầy đủ các chất dinh dưỡng, loãng, dễ tiêu hóa: Canh thịt rau củ hầm, cháo hay súp gà, sữa chua, yến mạch,…
Tăng cường bổ sung trái cây đặc biệt các loại trái cây giàu vitamin C như: dâu tây, cà chua, trái cây họ cam quýt,… và các loại rau xanh như: rau bina, cải xoăn, bông cải xanh … giúp cơ thể tăng đề kháng
Uống nhiều nước (nước lọc, trà gừng, trà mật ong, nước mật ong chanh, nước dừa,…). Bổ sung nước điện giải (Oresol) khi nôn, tiêu chảy.
* Dưới đây là danh sách thực phẩm người mắc bệnh cúm nên hạn chế ăn:
Các thực phẩm lạnh (kem, nước đá,…)
Đồ uống có cồn (rượu, bia), cà phê, trà đen, hồng trà, soda làm giảm hệ thống miễn dịch và gây mất nước.
Thực phẩm cứng hoặc khó tiêu hóa (Bánh quy, khoai tây chiên,…) làm nặng thêm cơn ho và đau họng.
Thực phẩm chế biến sẵn (thức ăn nhanh,đóng hộp) chứa ít dinh dưỡng
5.2. Hướng dẫn trong quá trình điều trị tại bệnh viện
Nghỉ ngơi tại phòng bệnh
Tắm rửa, đi vệ sinh nên thực hiện trong phòng riêng/nếu không có phòng riêng người bệnh cần đeo khẩu trang che kín miệng, mũi, rửa sạch tay sau khi đi vệ sinh
Cần hạn chế ra ngoài nếu không thật sự cần thiết. Khi ra ngoài, người bệnh nên đeo khẩu trang, hạn chế tối đa chạm vào những đồ vật gia đình hay sử dụng để tránh lây lan bệnh.
Tuân thủ phác đồ của bác sĩ điều trị, không tự ý sử dụng thuốc.
Nên giữ khoảng cách an toàn với nhóm người có nguy cơ mắc bệnh cao.
5.3. Hướng dẫn phòng bệnh và chăm sóc sau ra viện
Biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất là tiêm vaccine phòng cúm chủ động và tiêm nhắc lại hằng năm, thời điểm tiêm thích hợp là trước lúc giao mùa đông xuân khoảng 3 tháng (tháng 7-9 hàng năm) để cơ thể kịp sản sinh những kháng thể cần thiết để chống lại virus gây bệnh.
Nâng cao thể trạng, tăng sức đề kháng bằng cách tập thể dục thể thao đều đặn, ăn uống đủ chất, bổ sung vitamin khoáng chất, vitamin tổng hợp theo lứa tuổi…
Giữ gìn vệ sinh cá nhân như rửa tay sạch với xà phòng diệt khuẩn hoặc dung dịch sát khuẩn trước khi ăn, khi đi từ ngoài về nhà, sau khi đi vệ sinh. Hạn chế đưa tay tiếp xúc vùng mắt, mũi, miệng.
Vệ sinh nơi ở, nơi làm việc sạch sẽ với dung dịch sát khuẩn thông thường.
Giữ ấm cơ thể đặc biệt là vùng cổ, họng, ngực
Tránh tập trung nơi đông người, đặc biệt là tiếp xúc với những người bị cúm. Cần đeo khẩu trang khi đi ra ngoài để để hạn chế lây nhiễm.
(Đeo khẩu trang đúng cách) |
(Luôn giữ ấm cơ thể) |
Năm nay, mặc dù thời điểm hiện tại đang là mùa nắng nóng tuy nhiên tỷ lệ người nhiễm cúm A lại tăng vọt “bất thường”, theo thống kê trong tháng 07/2022 trung bình mỗi ngày BVĐK huyện Hà Trung ghi nhận hơn 10 trường hợp cho kết quả dương tính với Virus cúm A và B các loại. Do vậy để bảo vệ sức khoẻ cộng đồng mỗi người cần thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh, nếu xuất hiện các triệu chứng nghi ngờ như sốt, ho, sổ mũi, đau nhức mỏi cơ… nên đến các cơ sở y tế để kịp thời chẩn đoán và xác định bệnh chính xác nhất./.
(Nguồn: Sưu tầm)