- Đại cương
– Sốt là một triệu chứng thường gặp ở trẻ em do nhiều nguyên nhân.
– Sốt là một phản ứng của cơ thể chống lại các yếu tố nhiễm khuẩn cũng là biểu hiện sự rối loạn điều hòa thân nhiệt.
- Xác định sốt ở trẻ em
– Nhiệt độ bình thường của cơ thể là 36-37 và thường buổi sáng nhiệt độ thấp hơn buổi chiều.
– Hướng dẫn bà mẹ (người nhà) các cháu lấy nhiệt độ
+ Đo nhiệt độ ở nách, ở miệng, ở hậu môn bằng nhiệt kế thủy ngân.
Trẻ sốt nhẹ: 37.5- 38
Trẻ sốt vừa: 38-39
Trẻ sốt cao: 39-40
Trẻ sốt rất cao: >40
- Giáo dục sức khỏe
3.1. Xử trí khi bị sốt
– Sốt là phản ứng tốt của cơ thể, nhưng có hại khi sốt cao vượt quá mức chịu đựng của cơ thể, vì vậy thái độ xử trí phụ thuộc vào mức độ và các biến chứng của sốt.
– Nếu đo nhiệt độ dưới 38.5c thì ta nới rộng quần áo. Để trẻ nằm ở nơi thông thoáng khí, không có gió lùa, hạn chế nhiều người vây quanh trẻ. Chườm mát bằng nước ấm. Không dùng nước đá, nước quá lạnh làm hạ nhiệt độ cơ thể vì nhiệt độ lạnh quá làm co mạch, ngoại vi, cản trở sự thải nhiệt ra mồ hôi qua da, làm cho cơ thể vẫn tiếp tục lên nhanh.
– Nếu nhiệt độ cao từ 38.5 độ trở lên phải xử lý như trên và báo cáo Bác sĩ cho y lệnh dùng thuốc hạ sốt.
– Nếu trẻ sốt kèm theo các triệu chứng khó thở, co giật, nôn, trẻ mệt hoặc chưa rõ nguyên nhân cần hạ nhiệt và chuyển lên viện.
3.2. Chế độ dinh dưỡng cho trẻ bị sốt
– Trẻ nhỏ dưới 6 tháng
+ Bú mẹ nhiều lần, cho trẻ bú bất cứ lúc nào trẻ muốn. Mẹ phải uống thêm sữa và nước để đủ sữa cho trẻ vì trẻ sốt bị mất nước nên rất cần nước.
+ Nếu trẻ bú bình: Lượng sữa trong một ngày là 150ml cho mỗi cân nặng cơ thể, chia làm 8-10 lần. Cho trẻ uống nước (đã khát) mới cho bú bình vì nếu không bù đủ số nước bị mất do sốt thì trẻ sẽ bỏ bú sữa.
– Trẻ từ 6 đến 24 tháng.
+ Bú sữa đang dùng: Là sữa mẹ hoặc sữa bình trẻ đang dùng và pha như bình thường.
+ Bột hoặc cháo có đủ chất dinh dưỡng như bình thường nhưng xay loãng, cho trẻ ăn nhiều cữ trong ngày (4-5 cữ) nhưng mỗi lần ăn ít một (1/3-1/2 chén).
+ Chất đạm tốt nhất là sữa, thịt gà thịt heo.
+ Cho trẻ uống thêm nước trái cây mát sau khi bú và sau khi ăn bột hoặc cháo.
– Trẻ từ 24 đến 60 tháng.
+ Ăn cơm như bình thường, nhiều lần ít một.
+ Bữa ăn nên có thêm canh chua hoặc những loại canh mà trẻ dễ ăn như canh khoai mỡ, canh rau ngót, canh nấu thịt, cua mồng tơi… giúp trẻ ngon
miệng, dễ ăn.
+ Tất cả các loại rau như cà chua, bắp cải, rau cải, mồng tơi, rau ngót, rau muống, raudền…
+ Hoa quả tươi Chuối, cam, xoài, dâu tây… say nhuyễn kèm sữa chua để được một ly sinh tố thơm ngon, bổ dưỡng.
+ Ăn thêm một cữ tối nếu trẻ thèm ăn và thức khuya do sốt. Cho trẻ ăn những món mà trẻ thích.
+ Uống thêm nước khoáng,sữa, nước trái cây,nước dừa non,mẹ làm nước gừng cho bé uống bằng cách cho ½ muỗng cà phê gừng tươi băm nhuyễn (tương đương2,5g) vào 200ml nước sôi, ngâm vài phút rồi cho thêm một ít mật ong và uống từ 3 đến 4 lần mỗi ngày. Súp,nước cháo muối…
+ Nếu bé không ăn được cơm, mẹ có thể cho bé ăn cháo loãng để dễ tiêu hóa và hấp thu.
– Bạn cũng có thể bù nước và điện giải cho trẻ bằng Oresol theo đúng hướng dẫn sử dụng.
Bên cạnh đấy cha mẹ bé cũng cần chú ý cho bé:
– Tránh dùng các loại nước giải khát công nghiệp, các loại thức ăn có chứa nhiều ga.
– Tránh dùng các loại thực phẩm có nhiều xơ hoặc ít chất dinh dưỡng như: Các loại rau thô (măng, rau cần), tinh bột nguyên hạt (ngô, đỗ) khó tiêu hóa.
3.3. Hướng dẫn trong quá trình điều trị tại bệnh viện.
Tuân thủ chặt chẽ chế độ điều trị là vấn đề cốt lõi của thành công. Để điều trị thành công cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa bác sỹ và người chăm người bệnh
Dùng thuốc đúng theo y lệnh, báo cáo với bác sĩ những bất thường gặp phải để bác sĩ có điều chỉnh kịp thời (xin ý kiến bác sĩ điều trị).
Tuân thủ theo lời khuyên về chế độ ăn, cách theo dõi chăm sóc trẻ.
3.4. Hướng dẫn cách phòng cơn sốt cao và chăm sóc sau khi ra viện
– Không được mặc nhiều quần áo ấm hoặc đắp chăn khi trẻ đang sốt vì sẽ càng làm tăng thân nhiệt, rất nguy hiểm nếu trẻ sẽ sốt cao hơn gây co giật, thiếu ô xy não, tổn thương các tế bào thần kinh, có thể hôn mê và tử vong.
– Tuyệt đối không dùng nước đá để chườm cho trẻ sẽ khiến trẻ bị sốt cao hơn do cơ chế co mạch ngoại vi.
– Không xát chanh hay đánh gió cho trẻ.
– Không dùng nhiều loại thuốc có chung một thành phần để hạ sốt sẽ dẫn đến quá liều có thể gây ngộ độc.
– Nếu trẻ ở nhà sốt kèm theo các triệu chứng khó thở, co giật, nôn, trẻ mệt hoặc chưa rõ nguyên nhân cần hạ nhiệt và chuyển đến cơ sở y tế.