- Đại cương
– Bệnh sỏi thận là hiện tượng bị lằng cặn muối và khoáng chất bên trong thận. Bệnh do nhiều nguyên nhân gây ra và có thể thấy trong đường tiểu từ thận đến niệu quản và ở bàng quang.
– Hiện nay, bệnh sỏi thận rất phổ biến ở các nước nhiệt đới nóng ẩm như Việt Nam, thường hình thành khi nước tiểu bị lắng cặn, khiến các khoáng chất kết dính lại với nhau. Hầu hết các loại sỏi thận đều tự thoát ra ngoài tự nhiên và có thể khiến người bệnh rất đau. Nếu không được điều trị kịp thời sẽ gây ra các biến chứng như: giảm chức năng thận, suy thận.
- Nguyên nhân
+ Uống nước không đủ dẫn đến tình trạng nước tiểu bị cô đặc, nồng độ các tinh thể bão hòa trong nước tiểu.
+ Dị dạng bẩm sinh hoặc do nước tiểu không thể thoát ra bị tích trữ lại lâu dần tạo thành sỏi.
+ Bệnh nhân bị phì đại tiền liệt tuyến, u xơ, túi thừa trong bàng quang làm cho nước tiểu bị đọng lại ở khe kẽ.
+ Nằm một chỗ một thời gian dài.
+ Nhiễm trùng vùng sinh dục tái đi tái lại.
+ Chế độ ăn uống chưa khoa học, sử dụng nhiều oxalate, can xi, dùng lâu dài một số loại thuốc như acetazolamide, thuốc lợi tiểu quai, thiazide, glucocorticoids, theophyline, vitaminD, vitamin C.
- Triệu chứng
– Đau lưng, đau vùng mạn sườn dưới do sự cọ sát hoặc tắc ứ nước tiểu dẫn tới triệu chứng đau ở lưng, đau có thể lan ra phía bụng dưới, mạn sườn và bắp đùi.
– Đau khi đi tiểu do sỏi thận di chuyển từ niệu quản tới bàng quang hoặc từ bàng quang tới niệu đạo sẽ gây đau thậm chí đau buốt khi đi tiểu.
– Tiểu ra máu do sự cọ sát của sỏi khi di chuyển tới những tổn thương. Tuy nhiên, tùy vào những tổn thương mà biểu hiện tiểu ra máu có thể nhìn thấy được bằng mắt thường hoặc phải quan sát trên kính hiển vi mới thấy được.
– Tiểu dắt, tiểu són. Khi sỏi ở niệu quản hay bàng quang, người bệnh sẽ có cảm giác buồn đi tiểu và rất hay đi tiểu.
– Cảm giác buồn nôn và nôn do khi bị sỏi thận gây ra những ảnh hưởng trong đường tiêu hóa dẫn đến cảm giác buồn nôn và nôn.
– Cảm giác sốt và ớn lạnh do khi bị sỏi thận rất dễ dẫn đến nhiễm trùng đường tiết niệu.
Cận lâm sàng: siêu âm phát hiện thấy sỏi thận, sỏi niệu quản, ứ niệu. Chụp Xquang phát hiện sỏi cản quang
- Giáo dục sức khỏe
4.1. Chế độ ăn uống
Chế độ dinh dưỡng ảnh hưởng rất nhiều đến quá trình điều trị và thời gian hồi phục của bệnh nhân sau mổ sỏi thận. Đa số nhiều người cho rằng nên kiêng ăn hoàn toàn canxi để tránh bị sỏi thận. Tuy nhiên điều này là không đúng, chúng ta chỉ nên hạn chế chứ không được kiêng hoàn toàn vì sẽ làm mất cân bằng dinh dưỡng của cơ thể (Nghiên cứu ngày nay cho thấy rằng, chế độ ăn đầy đủ hàm lượng canxi mỗi ngày thực sự có tác dụng làm giảm tỷ lệ bị sỏi thận canxi. Những người hình thành sỏi canxi oxalate nên bổ sung 800 mg canxi trong chế độ ăn uống hàng ngày, không chỉ để phòng ngừa sỏi thận mà còn để duy trì mật độ xương. Một cốc sữa ít chất béo có chứa 300 mg canxi. Các sản phẩm sữa khác như sữa chua cũng giàu canxi.)
Thực tế việc bổ sung canxi cho cơ thể sau cuộc phẫu thuật là cần thiết
Uống khoảng 2 đến 3 lit nước mỗi ngày giúp tránh bị sỏi thận và hỗ trợ tống sỏi ra ngoài. Ngoài ra chăm sóc bệnh nhân sỏi thận cần chú ý ăn ít thịt động vật, ăn nhiều rau tươi, ăn nhạt hơn…
Mỗi ngày người bệnh cần uống từ 2.5 lít nước chia làm nhiều lần
+ Bổ sung chất xơ không hòa tan
Sau khi thực hiện mổ sỏi thận người bệnh nên bổ sung những loại thực phẩm giàu chất xơ
Chất xơ không hòa tan (tìm thấy trong lúa mì, lúa mạch đen, lúa mạch, và gạo) có thể giúp làm giảm canxi trong nước tiểu. Nó kết hợp với canxi trong ruột, để canxi được bài tiết phân thay vì thông qua thận. Chất xơ không hòa tan cũng tăng tốc độ chuyển động của các chất thông qua ruột, vì vậy sẽ có ít thời gian hơn cho canxi được hấp thụ.
+ Sinh tố hữu ích: vitamin B6 và vitamin A có ích cho bệnh nhân sỏi thận. Vitamin B6 làm giảm lượng oxalat trong nước tiểu, do đó, giảm khả năng kết tủa sỏi oxalat. VitaminA có tác dụng giữ cho hệ thống bài tiết nước tiểu được hòa để chống lại sự hình thành của sỏi thận. Lượng cần thiết vào khoảng 5000 IU vitamin A và 20-30 mg vitamin B6 mỗi ngày.
– Các thực phẩm nên tránh khi bị sỏi thận:
+ Tránh ăn nhiều protein (chất đạm): Bác sĩ Brian thuộc Đại học New York (Mỹ) sau nhiều cuộc nghiên cứu cho biết: “Giữa việc ăn nhiều protein và bệnh sỏi thận có mối liên hệ mật thiết, do làm gia tăng lượng a xit, can xi và phốt pho trong nước tiểu”. Mỗi ngày bạn chỉ nên ăn tối đa chừng 200g thịt cá.
Giảm các loại thực phẩm nhiểu protein (chất đạm)
+ Giảm vitamin C
Cơ thể chuyển đổi vitamin C thành oxalate tăng hình thành sỏi thận. Vì vậy những bệnh nhân bị sỏi thận không nên uống quá 500 mg vitamin C mỗi ngày. Một người có nguy cơ bị sỏi thận nên tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc chuyên viên dinh dưỡng trước khi dùng liều lớn vitamin hoặc khoáng chất.
+ Tạm dừng các loại thuốc: thuốc bổ, thực phẩm chức năng khi chưa có ý kiến bác sĩ về việc dùng kèm thuốc trị sỏi thận.
+ Hạn chế ăn muối: Cố hạn chế lượng muối ăn vào trong ngày không quá 3g. Khi ăn các loại đồ hộp, snack, dưa muối, kim chi, phomat nên xem kỹ lượng muối trên vỏ hộp.
+ Giảm đường, giảm mỡ.
+ Tránh xa trà, cà phê: Người bệnh sỏi thận cần tuyệt đối tránh xa trà đặc, cà phê vì chúng ngăn ngừa sự hấp thu canxi, khiến canxi phải bài tiết qua đường nước tiểu dẫn đến bị sỏi thận.
4.2. Chế độ vận động và nghỉ ngơi
Người bệnh cần bắt đầu vận động nhẹ, đi lại quanh phòng sau 2 ngày kể từ khi mổ sỏi thận. Để giúp cơ thể lưu thông máu
Hướng dẫn bệnh nhân cách vệ sinh cá nhân để tránh nhiễm trùng sau phẫu thuật.
Theo dõi và quan sát những biểu hiện ở người bệnh trong quá trình nằm viện sau phẫu thuật. Nếu xảy ra trường hợp bất thường nên đến báo ngay với bác sĩ.
4.3. Hướng dẫn trong quá trình điều trị tại bệnh viện.
Tuân thủ chặt chẽ chế độ điều trị là vấn đề cốt lõi của thành công. Để điều trị thành công cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa bác sỹ và người bệnh.
Dùng thuốc đúng theo y lệnh, báo cáo với bác sĩ những bất thường gặp phải để bác sĩ có điều chỉnh kịp thời (xin ý kiến bác sĩ điều trị).
Tuân thủ chặt chẽ theo lời khuyên về chế độ ăn, tập luyện, thay đổi lối sống có lợi cho sức khỏe.
Kiên trì điều trị.
4.4. Hướng dẫn cách phòng bệnh và chăm sóc sau khi ra viện
– Uống nhiều nước là cách giúp phòng tránh và điều trị bệnh sỏi thận hiệu quả nhất. Có thể uống nhiều lần trong ngày nhưng không nên cùng một lúc uống quá nhiều
– Bỏ qua thói quen sinh hoạt xấu để ngừa bệnh với các cách như: giảm lượng natri trong chế độ ăn; hạn chế thịt đỏ, nên bổ sung các loại protein từ các loại gia cầm; tránh các loại nước ngọt, nước giải khát; không lựa chọn các thực phẩm chế biến sẵn như: bánh mì, khoai tây chiên, các loại phomat; giảm lượng đường trong các bữa ăn.
– Cẩn hạn chế thực phẩm chứa nhiều can xi và các loại thực phẩm có hàm lượng axit oxalic tương đối cao như táo, tỏi, hành tây, cà phê, ca cao, nước chè, không nên uống rượu, cà phê.
– Cần duy trì chế độ tập luyện thể dục nhẹ nhàng như: đi bộ, đạp xe để có sức khỏe tốt, loại trừ các nguy cơ gây bệnh.
– Khi có các triệu chứng: đau lưng, đau vùng mạn sườn nhiều, tiểu khó, tiểu buốt… cần đến cơ sở y tế khám và điều trị.