CÁCH ĐIỀU TRỊ VIÊM TAI GIỮA CẦN BIẾT

0
48

Viêm tai giữa là bệnh lý xuất hiện do nhiễm trùng hoặc nhiễm khuẩn trong tai. Đây là bệnh lý phổ biến và hay tái phát ở trẻ nhỏ khiến nhiều bậc cha mẹ lo lắng.

Nguyên nhân gây viêm tai giữa

Viêm tai giữa được chia thành hai dạng chính, bao gồm viêm tai giữa cấp và viêm tai giữa mạn tính.

  • Viêm tai giữa cấp là viêm niêm mạc tai giữa hoặc là biến chứng khi chức năng vòi nhĩ rối loạn do virus gây nhiễm trùng đường hô hấp trên.
  • Viêm tai giữa mạn tính là tình trạng viêm nhiễm dai dẳng gây tổn thương và có thể chảy dịch qua lỗ thủng của màng nhĩ.

Viêm tai giữa ứ mủ là hiện tượng viêm tai giữa có dịch tiết, thường không có dấu hiệu rõ ràng, dịch bị ứ đọng trong màng tai, tạo cảm giác đầy tai. Người bệnh có thể thấy căng thẳng hoặc áp lực trong tai và có triệu chứng về sức khỏe tổng thể như sốt, đau tai, chảy dịch tai.

Nguyên nhân gây ra bệnh viêm tai giữa thường là nhiễm trùng do virus, vi khuẩn hoặc các bệnh lý khác như cúm, cảm lạnh, dị ứng. Với trẻ em thì bệnh viêm tai giữa có thể do sự chưa phát triển đầy đủ của cấu trúc và chức năng của vòi nhĩ, cũng như hệ miễn dịch vẫn còn yếu.

Ngoài ra, bệnh viêm tai giữa có thể do VA, vì tình trạng viêm VA sưng to sẽ ảnh hưởng và làm tắc nghẽn vòi nhĩ, gây ra nhiễm trùng. Hiện tượng này xuất hiện ở trẻ em thường xuyên hơn so với người trưởng thành.

Biểu hiện của viêm tai giữa

Bệnh viêm tai giữa ở trẻ em thường đi kèm các triệu chứng bao gồm:

  • Đau tai, khó nghe, khó chịu trong tai.
  • Chán ăn, khó ngủ, hay khóc, nôn trớ ở trẻ nhỏ.
  • Nghe kém, phản ứng với âm thanh kém.
  • Sốt cao lên đến 39 – 40 độ C, có thể co giật.
  • Đi ngoài phân lỏng, đi ngoài nhiều lần, rối loạn tiêu hóa.

Các dấu hiệu viêm tai giữa ở người lớn gồm:

  • Có chất lỏng chảy ra từ tai.
  • Khó nghe.
  • Đau tai.

Để chẩn đoán viêm tai giữa thì người bệnh nên đến các cơ sở y tế để được các bác sĩ thăm khám bằng cách nội soi để phát hiện các tổn thương nếu có trong tai. Bác sĩ cũng sẽ dùng đèn soi tai để kiểm tra màng nhĩ và các vùng khác như vòm họng, mũi xoang, cổ họng. Nếu hòm nhĩ chứa dịch bên trong hoặc bị viêm, căng phồng và sung huyết thì khả năng tai giữa đã bị nhiễm trùng.

Viêm tai giữa có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhưng phổ biến nhất là trẻ em. Ảnh minh hoạ.

Điều trị viêm tai giữa

Việc điều trị viêm tai giữa phụ thuộc vào từng người bệnh và mức độ nghiêm trọng. Các phương pháp điều trị sẽ được bác sĩ chỉ định bao gồm việc sử dụng các loại thuốc kháng sinh, kháng histamin, thuốc nhỏ mũi, thuốc xịt mũi, bơm hơi vòi nhĩ, corticoid và thuốc chống phù nề.

Việc sử dụng kháng sinh trong điều trị viêm tai giữa tùy thuộc vào từng giai đoạn, nguyên nhân của bệnh. Có những trường hợp dùng kháng sinh ngay từ đầu. Trong trường hợp bệnh nhân chưa cần dùng kháng sinh, việc điều trị sẽ tập trung vào triệu chứng và theo dõi sau 48 – 72h đánh giá lại. Nếu tình trạng bệnh tiến triển không thuận lợi, có thể cho bệnh nhân sử dụng kháng sinh.

Người bệnh cần dùng nước muối sinh lý, dung dịch sát trùng và thuốc nhỏ tai theo yêu cầu của bác sĩ nếu màng nhĩ bị thủng.

Phương pháp nạo VA, cắt amidan và đặt ống thông khí sẽ là một số phương pháp điều trị ngoại khoa có thể được bác sĩ chỉ định trong trường hợp nhiễm trùng lan rộng, điều trị bằng thuốc không còn mang lại hiệu quả.

Ngoài ra, với viêm tai ứ mủ mạn tính thì người bệnh có thể được tư vấn chụp CT hoặc MRI nếu có dấu hiệu có cholesteatoma và các biến chứng khác bao gồm sốt, chóng mặt và đau tai. Nếu có mô hạt tái phát hoặc dai dẳng thì người bệnh có thể sẽ phải sinh thiết tai.

Lời khuyên thầy thuốc

Viêm tai giữa có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhưng phổ biến nhất là trẻ em, do cấu trúc tai của trẻ chưa phát triển hoàn chỉnh, miễn dịch yếu. Theo số liệu thống kê có hơn 80% trẻ bị viêm tai giữa ít nhất một đợt ở tuổi lên 3. Dù đối tượng mắc viêm tai giữa chủ yếu là trẻ em nhưng bệnh lý này cũng có thể xuất hiện ở người lớn.

Vì vậy, để phòng bệnh viêm tai giữa hiệu quả, đối với mỗi nhóm độ tuổi lại có những lưu ý khác nhau:

– Đối với người lớn

Giữ tai sạch sẽ bằng cách vệ sinh thường xuyên, chú ý thực hiện nhẹ nhàng, tránh thao tác mạnh làm tổn thương niêm mạc tai, vi khuẩn dễ xâm nhập gây viêm tai. Tránh để nước vào tai (tắm, gội hoặc khi đi bơi). Có bệnh lý về tai, mũi, họng thì cần điều trị sớm.

– Đối với trẻ nhỏ

Vệ sinh tay sạch sẽ và cho trẻ đi tiêm phòng đủ mũi và đúng thời gian theo khuyến cáo của ngành y tế. Cần cho trẻ bú mẹ đến khi 2 tuổi, vì sữa mẹ hỗ trợ cho sức đề kháng của trẻ tốt hơn. Ngoài ra, cần tránh cho trẻ tiếp xúc với môi trường khói, bụi, thuốc lá. Khi trẻ có biểu hiện các bệnh lý tai mũi họng cần cho điều trị ngay, tránh tình trạng diễn biến sang viêm tai giữa.