Bệnh Lao là bệnh truyền nhiễm do vi khuẩn lao (Mycobacterium) gây nên. Bệnh lao có thể gặp ở tất cả các bộ phận của cơ thể trong đó lao phổi là thể lao phổ biến nhất (80 – 85%) và là nguồn lây chính.
Ngày 24/3 hàng năm được chọn là Ngày Thế giới phòng chống lao nhằm đánh dấu sự kiện ngày này năm 1882 Tiến sĩ Robert Koch đã phát hiện ra trực khuẩn lao.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Việt Nam là quốc gia thứ 11 trong số 30 quốc gia có gánh nặng bệnh lao cao nhất thế giới. 70% người mắc bệnh lao trong độ tuổi lao động, trong đó 64% người bệnh lao thường và 98% lao kháng thuốc.
Ho khạc kéo dài trên 2 tuần là triệu chứng hay gặp nhất của bệnh lao phổi, ngoài ra có thể kèm theo các triệu chứng khác: ho ra máu, sốt nhẹ kéo dài, đau tức ngực, gầy sút cân, ra mồ hôi trộm, …
Bệnh lao nếu được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ khỏi hoàn toàn do đó khi phát hiện có triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh lao nên đi khám để có biện pháp can thiệp. Người mắc bệnh lao không được tự ý dừng, thêm hoặc đổi thuốc; thuốc uống hàng ngày vào một giờ nhất định khi đói; đồng thời cần bỏ rượu, bia, thuốc lá, sinh hoạt điều độ, ăn uống đủ chất.
Để phòng chống bệnh lao có hiệu quả tất cả trẻ em đều được tiêm vắcxin BCG ngay tháng đầu sau sinh. Giữ vệ sinh môi trường nhà ở thông thoáng rèn luyện nâng cao sức khoẻ. Người bệnh lao cần áp dụng các biện pháp phòng bệnh cho người xung quanh như: không khạc nhổ bừa bãi, che miệng khi ho, hắt hơi vào khăn tay, khăn giấy, …tốt nhất đeo khẩu trang liên tục trong 02 tháng đầu và phơi chăn, chiếu, vật dụng ra nắng mỗi ngày.
Hiện nay, Việt Nam đang đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 giảm tỷ lệ người mắc bệnh lao xuống còn 0.001% dân số. Chủ đề của Ngày thế giới phòng chống lao năm nay của nước ta là “ Giảm thiểu tác động COVID-19 – Tập trung nguồn lực – Tăng cường phát hiện bệnh lao”. Điều trị một người khỏi bệnh lao là tránh cho 10 người khác, vì vậy người bệnh lao điều trị khỏi bệnh là bảo vệ bản thân mình và cả cộng đồng./.