- Đại cương
Thủy đậu là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus Herpes zoster gây nên, lây từ người sang người qua đường hô hấp hoặc tiếp xúc gần. Thủy đậu xảy ra chủ yếu ở trẻ em, biểu hiện bằng sốt và phát ban dạng nốt phỏng, thường diễn biến lành tính. Ở người có suy giảm miễn dịch, phụ nữ mang thai và trẻ sơ sinh, thủy đậu có thể tiến triển nặng dẫn đến các biến chứng nội tạng như viêm phổi, viêm cơ tim và có thể dẫn tới tử vong. Thủy đậu là bệnh dễ lây truyền; tỷ lệ lây nhiễm lên đến 90% ở những người chưa có miễn dịch. Bệnh thường xuất hiện thành dịch ở trẻ em lứa tuổi đi học.
- Nguyên nhân
– Do virut: Virut gây bệnh thủy đậu lây chủ yếu qua đường hô hấp (hoặc không khí), người lành dễ bị nhiễm bệnh nếu hít phải những giọt nước bọt bắn ra khi bệnh nhân thủy đậu ho, hắt hơi hoặc nhảy mũi.
Ngoài ra, khi tiếp xúc với bệnh nhân thủy đậu, bệnh có thể lây từ bóng nước khi bị vỡ ra, lây từ vùng da bị tổn thương hoặc lở loét từ người mắc bệnh.
- Triệu chứng
– Sốt từ 37,8°-39,4°C
– Ban trên da xuất hiện đầu tiên trên mặt và thân, nhanh chóng lan ra tất cả các vùng khác trên cơ thể.
+ Ban lúc đầu có dạng dát sẩn, tiến triển đến phỏng nước trong vòng vài giờ đến một vài ngày; phần lớn các nốt phỏng có kích thước nhỏ 5-10 mm, có vùng viền đỏ xung quanh. Các tổn thương da có dạng tròn hoặc bầu dục; vùng giữa vết phỏng dần trở nên lõm khi quá trình thoái triển của tổn thương bắt đầu.
+ Các nốt phỏng ban đầu có dịch trong, dạng giọt sương, sau đó dịch trở nên đục; nốt phỏng bị vỡ hoặc thoái triển, đóng vảy; vảy rụng sau 1 đến 2 tuần, để lại một sẹo lõm nông.
- Giáo dục sức khỏe
Vì là bệnh lây qua đường hô hấp và tiếp xúc trực tiếp với dịch nốt phỏng nên khi trẻ bị thủy đậu, việc đầu tiên là các bậc cha mẹ nên cách ly trẻ tại nhà cho tới khi khỏi hẳn.
4.1. Hướng dẫn chế độ dinh dưỡng
– Cho trẻ ăn các thức ăn mềm, lỏng, dễ tiêu như: cháo, bột, sữa và uống nhiều nước nhất là nước hoa quả có nhiều vitamin C.
– Thức ăn, nước uống mà trẻ thích giúp trẻ dễ ăn hơn.
– Vệ sinh khay ăn, thau chậu, bô, và các vật dụng của trẻ bằng xà phòng.
– Vệ sinh mắt, mũi họng hàng ngày cho trẻ bằng dung dịch nước muối sinh lý 0,9%, nhỏ mũi 2 lần/ngày cho trẻ.
4.2. Hướng dẫn chế độ nghỉ ngơi, vận động
– Người bệnh cần được nghỉ ngơi tại giường, hạn chế các vận động mạnh, tránh gây trầy xước nốt phỏng. Mặc quần áo vải mềm, thấm hút mồ hôi và đặc biệt chú ý tới việc đảm bảo vệ sinh da cho trẻ để tránh xảy ra biến chứng. Giữ bàn tay cho trẻ thật sạch. Khi cần tiếp xúc người bệnh thủy đậu thì phải đeo khẩu trang. Sau khi tiếp xúc, phải rửa tay ngay bằng xà phòng. Đặc biệt những phụ nữ đang mang thai cần tuyệt đối tránh tiếp xúc với người bệnh.
– Chăm sóc các tổn thương da: làm ẩm tổn thương trên da hàng ngày, bôi thuốc chống ngứa tại chỗ, ngăn ngừa bội nhiễm vi khuẩn bằng thuốc sát khuẩn tại chỗ (như các thuốc chứa muối nhôm acetat). Hồ nước hoặc xanh methylen…
4.3. Hướng dẫn điều trị tại bệnh viện
Dùng thuốc đúng theo y lệnh, báo cáo với bác sĩ những bất thường gặp phải để bác sĩ có điều chỉnh kịp thời (xin ý kiến bác sĩ điều trị).
Tuân thủ chặt chẽ theo lời khuyên về chế độ ăn, tập luyện, thay đổi lối sống có lợi cho sức khỏe.
4.4. Hướng dẫn cách phòng bệnh và chăm sóc sau khi ra viện
– Tiêm phòng vaccin
+ Vaccin thủy đậu là vaccin sống giảm độc lực, được chỉ định cho tất cả trẻ em trên 1 tuổi (cho tới 12 tuổi) chưa mắc thủy đậu và người lớn chưa có kháng thể với Herpes zoster. Vaccin thủy đậu có tính an toàn và hiệu quả cao.
+ Trẻ em cần được tiêm một liều vaccin và người lớn được tiêm hai liều. Một số trường hợp có thể có thủy đậu sau tiêm phòng.
+ Không tiêm vaccin thủy đậu cho trẻ suy giảm miễn dịch nặng (trẻ nhiễm HIVcó triệu chứng).
– Huyết thanh kháng thủy đậu (varicella-zoster immune globulin – VZIG) được chỉ định cho những người có nguy cơ bị biến chứng nặng do thủy đậu trong vòng 72 giờ sau khi tiếp xúc với nguồn bệnh.
– Dự phòng không đặc hiệu
+ Tránh tiếp xúc người bệnh bị thủy đậu hoặc zona.
+ Vệ sinh cá nhân.
+ Rửa tay cho trẻ bằng xà phòng và nước sạch nhất là trước khi ăn và sau khi vệ sinh bằng 6 bước.
+ Người chăm sóc trẻ cũng cần rửa tay nhiều lần nhất là khi chế biến thức ăn, trước khi cho trẻ ăn và sau khi vệ sinh cho trẻ.
+ Không cho trẻ mút tay hoặc đưa đồ chơi lên miệng.
+ Cho trẻ ăn chín uống chín, dùng riêng thìa, bát.
+ Thường xuyên vệ sinh sàn nhà, đồ chơi, vận dụng của trẻ bằng xà phòng hoặc nước sát khuẩn.
+ Khi thấy các triệu chứng: sốt, nổi các nốt phỏng nước, nhiễm trùng da…cần đến cơ sở y tế khám và điều trị.