NHẬN BIẾT DẤU HIỆU, NGUYÊN NHÂN VIÊM LOÉT DẠ DÀY Ở TRẺ

0
153

Bệnh lý viêm loét dạ dày tá tràng ở trẻ, đặc biệt là lứa tuổi đi học ảnh hưởng lớn đến sức khỏe, sự phát triển về thể chất, tinh thần của trẻ.

Mới đây, Bệnh viện Bãi Cháy (Quảng Ninh) tiếp nhận bệnh nhi 13 tuổi, bị xuất huyết tiêu hóa do loét hành tá tràng, viêm niêm mạc dạ dày, viêm trào ngược thực quản. Vậy, đâu là nguyên nhân của căn bệnh này?

Nguyên nhân trẻ bị viêm loét dạ dày tá tràng

Hiện nay, bệnh viêm loét dạ dày tá tràng ngày càng trẻ hóa về độ tuổi, xuất hiện nhiều ở trẻ em. Viêm loét dạ dày là tình trạng niêm mạc dạ dày bị tổn thương, viêm sưng, lâu dần tạo thành các vết loét gây nhiều triệu chứng khó chịu cho người bệnh.

Có nhiều nguyên nhân gây viêm loét dạ dày ở trẻ em, trong đó điển hình là do vi khuẩn HP (Helicobacter pylori) hay do tác dụng không mong muốn khi sử dụng các thuốc giảm đau và kháng viêm; stress, học hành căng thẳng, thức khuya và ăn uống, sinh hoạt không điều độ cũng là nguyên nhân gây viêm loét dạ dày…

– Viêm loét dạ dày tá tràng do nhiễm vi khuẩn, virus

Nguyên nhân nhiều nhất khiến trẻ bị viêm dạ dày đó chính là bị nhiễm khuẩn HP. Vi khuẩn HP (Helicobacter pylori) là một trong số ít những loại vi khuẩn có khả năng tồn tại trong niêm mạc dạ dày của bệnh nhân. Khi xâm nhập vào cơ thể, vi khuẩn HP gây ra nhiều vấn đề về cho hệ tiêu hóa, trong đó có viêm dạ dày tá tràng. Vi khuẩn HP có khả năng lây nhiễm từ người này sang người khác qua đường tiêu hóa như ăn uống, vệ sinh kém.

Trẻ em là đối tượng dễ bị nhiễm vi khuẩn HP do chưa biết vệ sinh trong ăn uống, kèm theo thói quen ăn uống chung với người lớn cũng làm cho nguy cơ bị lây nhiễm từ người lớn cao hơn. Trong khi đó, triệu chứng của bệnh lý viêm loét dạ dày, tá tràng ở trẻ lại không điển hình như ở người lớn, một số trường hợp khó phát hiện hoặc nhầm thành bệnh tiêu hóa thông thường.

Vi khuẩn HP là một trong số ít những loại vi khuẩn có khả năng tồn tại trong niêm mạc dạ dày của bệnh nhân.

– Viêm loét dạ dày tá tràng do sử dụng thuốc không đúng chỉ định

Việc sử dụng thuốc điều trị bệnh không theo chỉ định của bác sĩ, không phù hợp có thể dẫn đến tình trạng viêm loét dạ dày ở cả người lớn và trẻ em do bị kích ứng.

– Do chế độ ăn uống không khoa học

Dạ dày của trẻ em yếu hơn người lớn, niêm mạc dạ dày của trẻ dễ bị kích ứng. Vì thế, khi tiếp xúc với các thực phẩm có tính chua, cay, thực phẩm có ga trong một thời gian dài, phần niêm mạc dạ dày của bé sẽ dễ bị viêm và gây bệnh nguy hiểm.

– Do căng thẳng, stress kéo dài

Stress, căng thẳng cũng là một trong những nguyên nhân chính gây ra các bệnh về đường tiêu hóa. Đối với trẻ em, stress, căng thẳng do áp lực học hành thi cử khiến cho trẻ dễ rơi vào trạng thái trầm cảm, mệt mỏi. Cộng thêm việc học hành liên tục, ăn uống thất thường ở trường sẽ gây ra viêm dạ dày.

Các dấu hiệu cảnh báo trẻ bị bệnh lý dạ dày

Khi mắc viêm loét dạ dày trẻ thường có các biểu hiện đau bụng vùng quanh rốn và đau lan tỏa, có thể kèm theo biểu hiện ợ hơi, ợ chua, nôn, hơi thở hôi. Ngoài ra, trẻ có thể mệt mỏi, ăn uống kém, gầy sụt cân, mất tập trung trong học tập. Nhiều trường hợp có biểu hiện trầm cảm, căng thẳng, suy nhược thần kinh. Các triệu chứng có thể tăng lên sau khi ăn, nhất là ăn các loại thức ăn, đồ uống gây kích thích niêm mạc dạ dày như tỏi, ớt, chuối…

Khi mắc viêm loét dạ dày trẻ thường có các biểu hiện đau bụng vùng quanh rốn, có thể kèm theo biểu hiện ợ hơi, ợ chua. Ảnh minh hoạ

Ở giai đoạn cấp tính biểu hiện thường đột ngột, trẻ có thể có các biểu hiện nôn ra máu – xuất huyết tiêu hoá, đại tiện phân đen; Chướng bụng; Triệu chứng đau bụng không rõ rệt.
‎Ở giai đoạn mạn tính thì các biểu hiện thường thấy là tình trạng đau bụng kéo dài; Đầy bụng, khó tiêu, ợ hơi, ợ chua; Trẻ buồn nôn, chán ăn, có biểu hiện xuất huyết tiêu hoá: nôn ra máu, đại tiện phân đen, thiếu máu…

Tóm lại: Bệnh lý viêm loét dạ dày tá tràng ở trẻ là vấn đề thường gặp, trước đây, trẻ bị đau bụng, cha, mẹ thường chỉ nghĩ đến các nguyên nhân do rối loạn tiêu hóa, nhiễm giun sán,…. nhưng thực tế, có không ít trẻ nhỏ dưới 15 tuổi cũng có thể mắc phải căn bệnh này.

Do đó, khi thấy trẻ có biểu hiện nghi ngờ, cha mẹ cần đưa trẻ tới cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị. Khi trẻ bị viêm loét dạ dày tá tràng cha mẹ cần luôn chú ý vệ sinh sạch sẽ thân thể cho trẻ, đặc biệt là phải rửa thật sạch tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.

Hãy cho trẻ sử dụng riêng các đồ dùng cá nhân của mình: việc dùng chung đồ cá nhân sẽ làm lây lan rất nhiều bệnh tật, trong đó có bệnh viêm dạ dày ruột.

Luôn đảm bảo chế biến thức ăn cho trẻ phải được nấu chín kỹ, nước uống cho trẻ phải đun sôi để nguội, để loại trừ tiêu các mầm mống bệnh nếu có. Cần cho trẻ ăn đầy đủ các chất dinh dưỡng, nên ăn đúng giờ, không để quá đói hoặc quá no, nên ăn nhiều bữa nhỏ. Cần ăn thức ăn mềm, dễ tiêu, ít mỡ, ít chất kích thích, dùng thuốc đầy đủ theo đúng hướng dẫn của bác sĩ. Cần cho trẻ nghỉ ngơi hợp lý, tránh căng thẳng, lo âu và tái khám theo hẹn hoặc khi thấy bất thường.