TAI NẠN ĐUỐI NƯỚC – HIỂM NGUY LUÔN RÌNH RẬP

0
270

Qua số liệu thống kê hàng năm, Việt Nam có khoảng 2.000 trẻ em bị đuối nước, trung bình mỗi ngày có 5 trẻ bị đuối nước, đứng đầu trong các tai nạn thương tích của trẻ. Bên cạnh đó, chỉ hơn 30% trẻ em Việt Nam từ 6 đến 14 tuổi biết bơi. Chống đuối nước trở thành ưu tiên hàng đầu tại Kế hoạch hành động quốc gia phòng chống tai nạn, thương tích trẻ em giai đoạn 2021 – 2030(theo VTV).

Hè về là thời điểm nhu cầu nghỉ mát, tắm biển tăng đột biến bên cạnh đó học sinh được nghỉ hè thường rủ nhau ra ao, hồ, sông, suối, … tắm mát do đó nguy cơ tai nạn đuối nước luôn thường trực và có thể xảy ra ở bất cứ nơi nào. Vậy làm cách nào để phòng tránh? Khi có tai nạn đuối nước xảy ra cần xử lý ra sao?

  1. BIỆN PHÁP PHÒNG TRÁNH ĐUỐI NƯỚC

Để phòng tránh tai nạn đuối nước chúng ta cần chú ý các việc sau:

– Không được đi tắm, bơi mà không có người lớn biết bơi đi kèm;

– Không được phép bơi khi chưa xin phép bố mẹ;

– Không chơi, đùa nghịch quanh ao, hồ, hố sâu để tránh bị ngã, rơi xuống;

– Các hộ nhà dân có ao, hồ nên rào, chắn và cắm biển cảnh báo để mọi người biết, đề phòng;

– Trẻ em khi bơi phải được người lớn giám sát thường xuyên và không được rời mắt để làm công việc khác như đọc sách, tán chuyện gẫu…;

– Thực hiện đúng những nguyên tắc an toàn khi bơi.

  1. CẤP CỨU NGƯỜI BỊ ĐUỐI NƯỚC

* Nguyên tắc cấp cứu

– Lập tức đưa nạn nhân ra khỏi nước bằng cách ném phao, khúc gỗ,… cho người bị nạn hoặc gọi hỗ trợ và chỉ xuống cứu khi người cứu biết bơi.

– Cần xử trí khẩn trương, nhanh chóng, kịp thời, kiên trì, ngay tại chỗ để giải phóng đường hô hấp.

* Các bước tiến hành

Bước 1: Đặt nạn nhân nằm trên nền cứng, nơi thoáng khí, nới rộng quần áo.

Bước 2: Nếu nạn nhân bất tỉnh, kiểm tra xem còn thở không bằng cách quan sát chuyển động của lồng ngực:

– Lồng ngực không chuyển động tức là nạn nhân ngưng thở, hãy thổi ngạt miệng qua miệng. Sau đó kiểm tra mạch cổ, mạch bẹn xem có đập không; nếu không bắt được mạch tức là nạn nhân đã ngưng tim, phải ấn tim ngoài lồng ngực ở nửa dưới xương ức. Phối hợp ấn tim và thổi ngạt liên tục trên đường chuyển nạn nhân tới cơ sở y tế.

– Nếu nạn nhân còn thở được, hãy đặt nạn nhân nằm nghiêng một bên để chất nôn dễ thoát ra.

Bước 3: Cởi bỏ quần áo ướt, giữ ấm bằng cách đắp lên người nạn nhân tấm khăn khô.

Bước 4: Nhanh chóng đưa nạn nhân đến cơ sở y tế ngay cả khi nạn nhân có vẻ bình thường hoặc đã hồi phục hoàn toàn sau sơ cứu vì nguy cơ khó thở thứ phát có thể xảy ra vài giờ sau khi ngạt nước.

(Nguồn: Sưu tầm)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here