- Đại cương
Viêm đa khớp là một bệnh mãn tính toàn thân có liên quan đến miễn dịch, thường có xu hướng tái phát. Bệnh không điều trị kịp thởi có thể dẫn đến biến dạng khớp, giảm hoặc mất khả năng vận động và gây tàn phế.
– Tỷ lệ mắc bệnh trên thế giới khoảng 0,5 – 3% dân số
– Hay gặp ở nữ giới (70% – 80%)
– Khởi phát tuổi trung niên (60% – 70% có độ tuổi trên 30)
- Nguyên nhân
Do sức đề kháng và miễn dịch của cơ thể suy giảm, tà khí phong hàn thấp nhiệt cùng nhau phối hợp kinh lạc dẫn đến sự vận hành khí huyết ứ trệ, kinh lạc bị bế tắc làm các bộ phận cơ – xương – khớp do kinh lạc chi phối không được dinh dưỡng đầy đủ mà gây đau nhức.
- Triệu chứng
– Sưng khớp, đau nhức các khớp có tính chất di chuyển , đối xứng 2 bên
– Cứng khớp buổi sáng
– Biến dạng khớp
– Ngoài ra có thể kèm theo triệu chứng toàn thân như mệt mỏi, chán ăn giảm cân, thiếu máu.
Hình ảnh một số khớp gối, tay, chân bị sưng tấy do viêm
- Giáo dục sức khỏe
4.1. Hướng dẫn chế độ dinh dưỡng
– Cần bổ sung các thực phẩm giàu Omega-3: cá hồi, hạt é (hạt chia), quả óc chó… giúp làm giảm viêm mạnh mẽ
+ Thực phẩm giàu lưu huỳnh : Lưu huỳnh cũng làm giảm viêm khớp và tái tạo mô. Các thực phẩm nhiều lưu huỳnh như: hành tây, tỏi, măng tây và bắp cải…
+ Thức ăn giàu chất chống oxy hóa như các loại trái cây, rau quả: dưa hấu, đu đủ, bơ, dứa…
+ Những loại thức ăn giàu chất xơ: Giúp kiểm soát sự thèm ăn, có lợi cho tiêu hóa, làm giảm nguy cơ các bệnh khác nhau và các biến chứng. Các loại này bao gồm: các loại rau, trái cây, ngũ cốc thô, các loại đậu, các loại hạt, quả óc chó…
– Để khớp ít bị viêm, cũng cần tránh một số thực phẩm chứa quá nhiều đường, các loại ngũ cốc tinh chế như lúa mì, thực phẩm chế biến sẵn như xúc xích, thịt xông khói…
+ Tránh các đồ ăn cay, nóng.
+ Tránh sử dụng các chất kích thích: rượu, bia, cà phê…
4.2. Hướng dẫn chế độ nghỉ ngơi, vận động
– Chế độ nghỉ ngơi: cần có chế độ nghỉ ngơi hợp lý, tránh các công việc nặng, công việc gắng sức.
– Chế độ vận động: tập luyện phải đúng mực, tập dần dần để phục hồi chức năng các khớp, không được nóng vội, nôn nóng. Khi bị tổn thương, cần phải nghỉ ngơi hoàn toàn không đi lại, chỉ khi tình trạng viêm ổn định thì mới tập vận động. Người bệnh có thể tập thể dục, đi bộ chậm, chạy chậm…mỗi ngày từ 20 – 30 phút.
Một số bài tập đơn giản:
Duỗi vai:đứng thẳng, lưng dựa vào tường và tay để sang 2 bên. Cùi tay thẳng, áp lòng bàn tay vào tường. Giữ như vậy trong 5 giầy rồi nghỉ. Thực hiện như vậy 10 lần.
Bài tập cho cổ tay:Người tập ngồi cạnh bàn, tay phải để lên bàn (chỉ từ phần khuỷu tay), tay trái cầm các ngón tay phải kéo nhẹ về đằng sau. Thực hiện thật chậm rãi cho đến khi cảm thấy bắt đầu đau. Đổi tay. Mục tiêu là thực hiện được 20 lần cho cả 2 tay. Bạn nên thực hiện 2 lần/ngày.
4.3. Hướng dẫn điều trị tại bệnh viện
– Tuân thủ đúng phác đồ điều trị của bác sĩ :
+ Điện châm, xoa bóp bấm huyệt , chiếu đèn hồng ngoại
+ Dùng thuốc đông y hoặc có thể kết hợp thuốc tây tùy theo từng bệnh nhân cụ thể, đúng thuốc, đúng giờ, đúng thời gian. Đặc biệt không tự ý mua thêm thuốc để uống. Khi dùng thuốc xuất hiện các tác dụng không mong muốn như : viêm và kích ứng niêm mạc dạ dày, loãng xương, phù….cần thông báo tới nhân viên y tế.
– Tuân thủ chế độ ăn, vận động.
Nếu không được điều trị sớm, bạn phải đối mặt với những biến chứng nghiêm trọng.
4.4. Hướng dẫn cách phòng bệnh và chăm sóc sau khi ra viện
– Duy trì chế độ sinh hoạt hợp lý, tập thể dục hàng ngày và chế độ dinh dưỡng phù hợp
– Giữ môi trường sống không bị ẩm thấp, luôn giữ ấm
– Điều trị sớm hạn chế biến dạng khớp,ngay khi phát hiện ra các triệu chứng bất thường như khớp đau, sưng, nóng đỏ, có thể kèm theo các triệu chứng toàn thân như người mệt mỏi, nóng sốt, chán ăn, người bệnh nên đi khám chuyên khoa cơ xương khớp để được điều trị kịp thời.