- Đại cương
Thoát vị bẹn là tình trạng các tạng bên trong ổ phúc mạc đi ra ngoài qua điểm yếu ở thành sau của ống bẹn.
Thoát vị nói chung gặp trong khoảng 5% dân số thế giới. Trong đó thoát vị bẹn chiếm khoảng 80% trong tổng số các loại thoát vị. Trong thoát vị bẹn, nam giới bị gấp 7-8 lần nữ giới.
Khi khối thoát vị (ruột sa xuống) chèn ép các cơ quan trong khoang bụng thì bệnh có biến chứng nguy hiểm như thoát vị nghẹt, dễ gây hoại tử ruột.
Phương pháp điều trị chủ yếu: phẫu thuật tái tạo thành bụng
- Nguyên nhân
Thoát vị được gây ra do yếu gân cơ vùng bẹn và tăng áp lực xảy ra tại chỗ thoát vị.
Các yếu tố tăng nguy cơ mắc thoát vị bẹn
Giới tính: do cấu trúc thành bụng nam giới vùng bẹn yếu nên nguy cơ mắc bệnh cao hơn nữ giới.
Ho mãn tính: chẳng hạn như ở người hút thuốc lá, có thể làm tăng nguy cơ bị thoát vị bẹn.
Táo bón mãn tính: rặn khi đi ngoài là một yếu tố nguy cơ phổ biến của chứng thoát vị bẹn;
Thừa cân: tạo thêm áp lực lên bụng của người bệnh;
Một số ngành nghề: có một số công việc đòi hỏi phải đứng trong thời gian dài hoặc công việc lao động chân tay nặng làm tăng nguy cơ mắc thoát vị bẹn;
- Triệu chứng
– Đau tức vùng bẹn và đau nhiều nếu bị thoát vị bẹn nghẹt
– Khối phồng vùng bẹn, tăng khi đứng khi ho, khi gắng sức
– Cận Lâm Sàng: Siêu âm thấy tạng, quai ruột chui vào ống bẹn
- Giáo dục sức khỏe
4.1. Chế độ dinh dưỡng
Chế độ ăn: Bệnh nhân gây tê tủy sống nên không được ăn gì trong vòng 6 giờ sau mổ. Trong ngày đầu chỉ nên uống nước lọc, nước đường, ăn cháo loãng. Sau đó ăn uống như bình thường, tăng cường thức ăn giàu đạm và canxi, chất sắt, protein.
Bệnh nhân sau mổ thoát vị bẹn không cần phải ăn kiêng mà nên có chế độ ăn uống đa dạng, khoa học, lành mạnh nhằm cung cấp đầy đủ dinh dưỡng cho cơ thể. Tuy nhiên, không nên ăn quá no trong một bữa, nên chia nhỏ bữa ăn, ăn thành nhiều bữa/ngày; ăn nhiều thịt, cá, trứng, sữa, rau xanh, trái cây tươi… Người bệnh nên uống nhiều nước để cung cấp đủ nước cho cơ thể, có thể uống nước lọc, sữa ấm, nước ép trái cây, sinh tố, nước cam…
Sau mổ, người bệnh nên kiêng đồ nếp, cay, bia rượu, cà phê, thuốc lá…
4.2. Chế độ vận động, nghỉ ngơi
Đối với trường hợp gây mê nội khí quản: sau 12 giờ bệnh nhân có thể ngồi dậy được và vận động nhẹ nhàng tại giường.
Đối với trường hợp gây tê tủy sống: sau mổ 6 giờ, hướng dẫn cho bệnh nhân vận động nhẹ nhàng, nằm nghiêng, co duỗi chân tay. Sau 24 giờ bệnh nhân mới được ngồi dậy.
Bệnh nhân có thể cử động chân tay nhẹ nhàng tại giường, sau đó có thể bước xuống giường, tập đi bộ trở lại để giúp các chức năng bình thường của cơ thể phục hồi nhanh hơn, giảm nguy cơ mắc các biến chứng sau phẫu thuật.
4.3. Hướng dẫn trong quá trình điều trị tại bệnh viện.
Cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa bác sỹ và người bệnh
Dùng thuốc đúng theo y lệnh, báo cáo với bác sĩ những bất thường gặp phải để bác sĩ có điều chỉnh kịp thời (xin ý kiến bác sĩ điều trị).
Tuân thủ chặt chẽ theo lời khuyên về chế độ ăn, tập luyện, thay đổi lối sống có lợi cho sức khỏe.
4.4. Hướng dẫn cách phòng bệnh và chăm sóc khi bệnh nhân ra viện
Không nâng vật nặng hơn 5 kg trong 6 tuần đầu, hoặc chờ tới khi bác sĩ cho phép. Nâng vật nặng có thể gây ra thoát vị mới tại cùng vị trí đó.
Không nên lái xe trong vòng hai tuần đầu tiên sau khi phẫu thuật.
Chế độ ăn thức ăn nên có tính chất nhuận tràng giúp người bệnh đi đại tiện dễ dàng tránh bị táo bón.
Chế độ ăn uống cần được thiết lập lại, ăn chậm, nhai kỹ, ăn lỏng dễ tiêu, giàu dinh dưỡng, tránh ăn các loại thức ăn có chứa nhiều chất xơ không hòa tan như măng, rau nhút, mướp…và các loại hoa quả có chứa nhiều Tanin như ổi, hồng…Những chất này sẽ có thể kết dính với nhau và tạo nên bã, gây tắc ruột sau này.
Không nên quan hệ tình dục sau khi vừa mới mổ nên kiêng 1-2 tuần và chỉ nên quan hệ nhẹ nhàng.
Duy trì tốt chế độ tập luyên hàng ngày, không nên để tăng cân béo phì.
Nếu phát hiện có nguy cơ bị thoát vị bẹn trở lại cần đi lại nhẹ nhàng, không nên đi lên xuống cầu thang nhiều và nên tới bệnh viện để thăm khám càng sớm càng tốt nhằm xử trí kịp thời bệnh.